KHUYẾN HỌC LA KHÊ - Vài Suy Nghĩ Trên Một Chặng Đường La Khê Phát Triển

Ngày 20 và 21 tháng 3 năm 1996 nhằm ngày 02 và 03 tháng 2 năm Bính Tý, dân làng La Khê tề tựu về đình làng để đi chạp Cô Mộ và hiệp kỵ ba Ngài Công Đức. Đây là Lễ Tế Xuân truyền thống hàng năm. Năm nay bộ mặt làng có nhiều nét nổi bật: Đường làng, đường xóm đã được đúc xi măng. Hệ thống đèn điện chiếu sáng ban đêm tại các đường xóm, đường làng đã lắp đặt xong. Đình làng sau ba tháng trùng tu tôn tạo giờ trông uy nghi rạng rỡ hơn nhiều. Dân làng làm ăn sinh sống ở xa có dịp về dự lễ đông hơn. Những người ở quá xa, ở nước ngoài thì gia đình ở làng quay video để gởi những hình ảnh của bà con làng xóm than thuộc như là điều mừng vui hãnh diện vì những điều “đi trước” của La Khê. Sáng sớm hôm đó bên hông Đình, trước trường tiểu học, tại các ngã ba xóm, đầu làng và cuối làng đều có dáng Thông Báo ra mắt của ban khuyến học La Khê và phát động phong trào - học sinh La Khê học giỏi – trong toàn thôn. Một sự kiện làm mới cho làng ta đầu xuân Bính Tý.
Đến nay cũng gần hai năm kể từ khi chương trình khuyến học thai nghén và phát triển. Chúng ta cùng nhìn lại những bước đi này.




NÉT RIÊNG LA KHÊ VÀ KHỞI ĐẦU TỪ NHỮNG TẤM LÒNG

Như những làng quê ở Huế, mỗi làng quê xưa đều có một nghề truyền thống: Triều Sơn chằm nón, Mậu Tài làm kim, Chợ Dinh may áo, Nam Thanh đúc gạch. Làng La Khê làm bột, một nghề thủ công độc đáo. Năm mươi năm trước đây, dân số trong làng khoảng bằng một phần năm dân số ngày nay. Hầu hết sinh sống bằng nghề nông và nghề làm bột là nghề truyền thống có tính cách gia đình. Đàn ông con trai lo việc cày bừa, kéo rớ, đơm chẹp; trẻ con chăn trâu, đàn bà con gái lo việc bếp núc, vá áo, xay lúa giã gạo, nuôi heo nuôi gà…. lớn lên học nghề quết bột. Hết đồng áng buôn việc thì hội hè đình đám, hò giã gạo, đua ghe, bài bạc, chè chén…Cuộc sống làng quê đều đặn như thế trôi qua hằng bao thập kỷ với đường sá hê hủng trong mùa nắng, sì sụp trong mùa mưa, bà con lam lũ quanh quẩn sau lũy tre xanh. Người được đi học trong làng thuở ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tri thức và đạo lý được cô đúc lại thông qua từ kinh điển của các cụ nhà nho. Từ nhà ra việc Họ việc Làng tạo nên nền nếp un đúc con người thành giá trị phong cách với lễ nghĩa và đức hạnh. Làng có 3 xóm, dân làng lại bà con dây mơ rễ má chằng chịt với nhau qua bao đời. Dân làng gắn bó với mảnh vườn, luống đất, túp lều, con trâu, cái đìa, cái chẹp…và gắn bó xóm giềng lân lý với nhau. Bến nước, Ngôi Đình, nhà thờ Họ là những ấn tượng khắc sâu trong lòng mỗi người. Sự thay đổi chậm chạp trong lề lối cũ, trong nếp sống, trong quang cảnh chung của xóm làng càng làm cho nét quê ấy rõ lên trong lòng người. Các thập kỷ sau này, cuộc sống dần dần thay đổi. Những trai tráng ngày xưa ngần ngại xa làng buột phải xa làng. Việc giao tiếp ngày càng rộng, hiện tượng “bỏ làng ra đi” không còn là điều lạ lùng và đáng chê trách nữa. Và đến nay thì không kể hết bao nhiêu người con dân La Khê đã sống xa Làng, lập nghiệp nơi đất khách quê người.

Có lẽ sẽ không sai lắm nếu nói rằng người có Tâm, có trí khi lưu lạc phương xa dù hoàn cảnh nào, điều kiện sống ra sao thì mãi mãi họ là những người nặng tình quê hơn. Hẳn rằng có xa mới nhớ mới thương và phải có tấm lòng mới thấy quê hương làng xóm canh cánh bên mình cùng những ân tình đã dành cho mình thời quá khứ nơi mình đã được sinh ra và lớn lên … Dù lúc còn ở quê hương đã ấm lạnh ngọt bùi hay đói rách cay đắng vẫn là những kỷ niệm êm ái một thời nơi nuôi ta lớn. Lòng nhớ quê thúc đẩy bao người ấp ủ những ước mơ được góp phần làm cho xóm quê đổi mói, mong ước cho anh em, bà con, bè bạn, các cháu … có cuộc sống càng ngày càng khả quan hơn.

KHUYẾN HỌC LA KHÊ, CHẶNG ĐƯỜNG ĐẦU

…Và bao ước vọng của bao tấm lòng muốn La Khê có một bộ mặt càng ngày càng mới đã bước đầu hình thành. Đó là thành quả của toàn dân La Khê, đã đồng tâm nhất trí, kẻ có của người có công … Và nay có một mơ ước mới nữa. Đó là thúc đẩy phát triển giáo dục trong phạm vi của làng dưới hình thức Khuyến Học với ước vọng chung rằng: Bằng cách nào đó chúng ta hãy cùng góp sức, cùng gia đình và nhà trường quan tâm đến các cháu học sinh làng ta, giúp động viên các cháu nổ lực học hành, trau dồi đức hạnh với mục tiêu cao hơn là La Khê tương lai sẽ có một lớp trẻ kế tục có trí, có tâm không tụt hậu, sớm thích ứng, có chỗ đứng trong một xã hội ngày càng đổi mới trên đà phát triển chung của cả nước.

Với những ước mơ như thế, qua những trao đổi thư từ không kém phần lý thú, do những ước mơ ấy trùng hợp ngẫu nhiên giữa những anh em ở làng, ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Hoa Kỳ là anh em tuổi đã trên 40, là cha chú cô dì cả, tự xác định vị trí của mình trong lòng các cháu…tự nguyện thấy mình có trách nhiệm vớI xóm với làng … chúng ta cố gắng nổ lực như cha, chú … của chúng ta ngày trước đã nổ lực xây đắp cho một La Khê này …

Thế rồi, mọi sự kiện tuần tự đến:
- Khoảng 20 tháng 01 năm 1996 Ban quản lý thôn La Khê nhận được bản “Chương Trình Khuyến Học – dành cho con em học sinh của làng La Khê” do anh Cung Trọng Thanh đại diện cho một số anh chị em con dân La Khê đang sống ở Hoa Kỳ gởi về. Đó là các anh chị Phan Tế Nam, Hồ Thị Tơ (California), Nguyễn Lẹ (Colorado), Phan Văn Thìn (Minnesota), Lương Văn Lợi (Washington), Trần Văn Thạnh (Arkansas), Đinh Xuân (Illinois), và Cung Trọng Thanh (Virginia). Chương trình có mục đích khuyến khích, giúp đỡ thiết thực cho các em học sinh trong làng đạt thành tích tốt trong học tập, hạnh kiểm dưới hình thức cấp phát phần thưởng và học bổng hằng năm.
- Ngày 25 tháng 01 năm 1996 Ban Quản Lý thôn La Khê viết tờ trình xin Ủy Ban Nhân Dân Xã Hương Vinh cho phép được lập Ban Khuyến Học La Khê và đã được Ủy Ban Xã đồng ý.
- Ngày 11 tháng 02 năm 1996 Ban Quản Lý thôn copy bản Chương Trình nói trên kèm thư gởi đến những công nhân viên ở làng, những giáo viên và các phụ huynh học sinh, các vị hảo tâm nói rõ mục đích; phổ biến tin trên và mời tất cả vào ngày 12 tháng 02 năm 1996 (24 tháng Chạp năm Bính Tý) đến dự họp tại nhà anh Hồ Trâm.
- Đêm 12 tháng 02 năm 1996 đông đủ phụ huynh học sinh, các vị hảo tâm, các giáo viên và cán bộ công nhân viên ở làng đã dự họp. Trong nỗi vui đêm ấy ban Khuyến Học La Khê đã hình thành với 22 thành viên ở làng do anh Nguyễn Văn Ới làm trưởng ban, anh Hồ Văn Năm và anh Lê Tấn Diều đồng phó ban, anh Phạm Hiển thư ký và liên lạc, anh Lê Thể thủ quỷ, anh Nguyễn Côi và Cung Trọng Hùng là ủy viên. Ban Khuyến Học đã lập ra một chương trình cụ thể ký ngày 04 tháng 03 năm 1996 và được Ủy Ban Nhân Dân Xã Hương Vinh phê duyệt ngày 15 tháng 03 năm 1996.

Như vậy đến sau hôm Lễ Tế 21 tháng 03 năm 1996 ở Đình Làng, các cháu học sinh La Khê bước vào học kỳ 2 với một tinh thần phấn đấu hết mình. Không khí chung của toàn làng rất vui. Bà con bạn hữu ở xa về thăm quê rất bằng lòng về những đổi mới ở làng và đặc biệt tán dương Chương Trình Khuyến Học này. Xã xem La Khê như một làng có những bước tiên phong!


THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN HỌC:

- Ngày 01 tháng 06 năm 1996 Ban Khuyến Học đã tổ chức phát phần thưởng (niên khóa 95 – 96) cho tất cả các em học sinh học từ lớp 1 đến lớp 12 tại các trường trong tỉnh đã được các trường liên hệ phát phần thưởng. Ngân khoản phần lớn là do những anh chị em trong nhóm Khuyến Học ở Hoa Kỳ gởi về, thêm một phần là do quý vị hảo tâm tại địa phương tài trợ. Phần thưởng toàn bộ là sách giáo khoa hiện hành và dụng cụ học tập.

- Ngày 15 tháng 09 năm 1996, Ban Khuyến Học xét trợ cấp cho 11 em học sinh trong làng có hoàn cảnh khó khăn. Ngân khoản này do các anh chị con em La Khê tại thành phố Hồ Chí Minh là Phan Quý Nam, Cung Trọng Tư và Phan Hoàng Lan gởi về giúp đỡ.
- Ngày 01 tháng 06 năm 1997, Ban Khuyến Học tổ chức phát phần thưởng cho các em học sinh (niên khóa 96 –97). Năm nay số học sinh được thưởng tăng thêm. Số người tài trợ do vậy cũng có phần tăng theo. Và phần lớn ngân khoản để thực hiện phát thưởng vẫn do các anh chị ở Hoa Kỳ gởi về.

- Mỗi dịp phát thưởng Ban Khuyến Học đều có in tập Lễ Phát Phần Thưởng trong đó ghi hết các bài diễn văn, đáp từ, danh sách các cháu được thưởng và danh sách quý vị tài trợ . Phần thưởng của mỗi học sinh gồm các sách giáo khoa đủ học cho chương trình ở trường, kèm thêm cuốn Lễ Phát Phần Thưởng để làm kỷ niệm.

Điều đáng mừng là kết quả học tập của các cháu. Xin trích sau đây một đoạn trong diễn văn do Khuyến Học La Khê đọc trong buổi Lễ Phát Phần Thưởng niên khóa 96 –97:
…Chúng tôi xin mạn phép trình bày với quý vị những nổ lực các cháu mang lại theo trình tự như sau:

- Năm học 94 – 95 khi chưa có Ban Khuyến Học, chưa có nguồn động viên cổ vũ nào ngoài gia đình, nhà trường, thì làng chúng tôi cuối năm học đó có 34 cháu được các trường khen thưởng.

- Năm học 95 – 96 sau học kỳ một của các cháu, Ban Khuyến Học thôn được thành lập, được sự hổ trợ của nhóm chủ trương Khuyến Học dành cho con em La Khê ở Hoa Kỳ, sự cổ vũ nhiệt tình của các anh chị hảo tâm ở thành phố Hồ Chí Minh, với chương trình khuyến học cụ thể; kết quả năm ngoái có 65 em học sinh được các trường khen thưởng.

- Năm nay 96 – 97 chúng tôi trình diện trước quý vị, bà con 90 em học sinh đã được các trường khen thưởng; đó là Quốc Học, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Gia Hội, Thống Nhất, Trung Học Cơ Sở Hương Vinh, Tiểu Học Phú Hòa, Tiểu Học Số 1 và Số 2 Hương Vinh… Ngoài ra, làng cũng có các cháu được các trường tuyển cho đi thi và đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố…
- Cũng trong nổ lực như thế, năm 97 làng có 7 cháu dự thi vào đại học, kết quả trúng tuyển 6 cháu dù rằng năm nay việc được vào các trường đại học khó khăn hơn nhiều. Trong nỗi vui từ làng, ngày 16 tháng 8 năm 97 anh Cung Trọng Thanh đã gởi ngay về cho cả 6 cháu, mỗi cháu một học bổng 550.000 đồng cùng với những lời chúc mừng của nhóm Khuyến Học ở Hoa Kỳ. Sáu học bổng này do những ân nhân: Ông Bà Bác Sĩ Tôn Thất Chiểu (Maryland), Ông bà Lê Hiếu Nghĩa (California), và ông Ngô Phú (Virginia) tặng. Ban Khuyến Học La Khê đã tổ chức chuyển giao những học bổng đó cho các cháu vào ngày 24 tháng 8 năm 97.

- Ngày 30 tháng 9 năm 97, được các anh chị ở thành phố Hồ Chí Minh tài trợ thêm, Ban Khuyến Học La Khê đã trợ cấp cho 12 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi cháu 50.000 đồng và cấp phát thêm cho 4 cháu trúng tuyển đại học (trong số 6 cháu trúng tuyển nêu trên), mỗi cháu 250.000 đồng nữa (ngân khoảng nầy do các anh chị ở Hoa Kỳ gởi về để cấp phát cho học sinh thi đổ đại học năm 96 còn tồn đọng lại).

- Thành lập tủ sách khuyến học: Đầu năm học này anh Phan Quý Nam ở thành phố Hồ Chí Minh đã quyên góp và gởi về làng – qua Ban Khuyến Học – hơn 500 quyển sách, truyện thiếu nhi, để xây dựng tủ sách khuyến học. Tủ sách này tạm thời do anh Phạm Hiển quản lý và ngày 15 tháng 9 năm 97 đã bắt đầu cho các cháu học sinh và các bạn cần đọc ở làng xử dụng. Hiện nay mỗi ngày có 30 lượt các cháu mượn về nhà hoặc đến đọc tại chỗ. Các sách báo, truyện đều có đóng dấu đỏ “Khuyến Học La Khê”.

VÀI SUY NGHĨ

Qua những thành quả thấy được ở trên đó là sự hăng say học tập của các cháu. Cũng trong nỗi mừng đó, nếu như Chương Trình Khuyến Học năm 96 ngoài sự hỗ trợ của các anh chị ở Hoa Kỳ, một số anh chị ở thành phố Hồ Chí Minh và thêm một vài vị hảo tâm ở làng thì năm 97 chương trình đã mở rộng lên Gia Lai và năm tới sẽ có thêm sự hỗ trợ từ Đà Lạt, Nha Trang. Bởi vì nắm bắt được nỗi lòng hướng về làng của bà con, sau Lễ Phát Thưởng chúng tôi đã gởi băng video cùng với tập Lễ Phát Thưởng năm 97 đi Đà Nẵng, Gia Lai, Đà Lạt, Nha Trang và đã nhận được những lá thư động viên của những bà con sinh sống ở các nơi đó gởi về.

Chúng tôi nghĩ rằng, tác dụng của khuyến học không những chỉ đạt được ở sự tiến bộ của các cháu học sinh trong làng mà còn hình thành rõ nét mối liên hệ giữa bà con xa làng. Có dịp thăm bà con La Khê ở xa ta được nghe câu hỏi thường tình “dạo ni làng có chi khác không ?”. Và nếu hôm nay thì ta vui vì có nhiều điều để nói.

NHỮNG ƯỚC MƠ
Trong lễ diễn văn khai mạc Lễ Phát Thưởng đầu tiên (01-06-96) tại Đình làng La Khê, một đại diện trong Ban Khuyến Học đã trình bày trước đông đảo quan khách: “Một khi trường có nhiều trò giỏi, nhà có nhiều con ngoan, thì xóm làng có nhiều người tốt, xã hội sẽ giảm dần tệ nạn thiếu nhi phạm pháp…”

Mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy các cháu ham học. Hai năm qua phần nào chúng ta thấy đã có dấu hiệu đáng mừng.

Mục tiêu thứ nhì là khuyến khích các cháu đọc sách. Xã hội ngày một đổi mới với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội việc học phải thực tiển hơn và toàn diện hơn. Ngoài việc học chương trình ở nhà trường phải tập cho các cháu, phải khuyến khích các cháu học ở sách báo, truyền hình. Dĩ nhiên là những sách báo có nội dung tốt, hay, hữu ích và thích hợp với từng độ tuổi, lớp. Đọc sách là phương pháp tốt nhất để xây dựng kiến thức, và mở mang sự hiểu biết. Ước vọng là đông đảo các cháu học sinh làng ta sẽ ham đọc sách, ham tìm hiểu. Trong một chừng mực nào đó, tủ sách Khuyến Học La Khê hiện nay đang tập dần cho các cháu có thói quen ấy.

Mục tiêu tiếp theo trong phát triển toàn diện là thể dục thể thao. Nếu có điều kiện Ban Khuyến Học La Khê sẽ thực hiện hai bàn bóng bàn. Hiện nay sân vũ cầu đã có ở 3 địa điểm: Trường Tiểu Học Số 2 Hương Vinh, sân nhà anh Năm, anh Trâm. Một số anh em dự kiến đúc rộng mặt đường trước nhà anh Duyên, góc ngã ba gần nhà bác Mốt để vừa cải tạo cảnh quang cho địa điểm Tế Đạo Trung (vì đám tang nào cũng dừng ở đây để Tế Đạo Trung) vừa là sân chơi buổi chiều cho các cháu.

Khuyến Học La Khê đã thành lập và hoạt đông được 2 năm. Tuy nhiên việc phát triển giáo dục và xây dựng con người là công việc lâu dài. Do vậy điều quan trọng là nuôi dưỡng Chương Trình Khuyến Học để Ban Khuyến Học có thể hoạt động đều đặn hằng năm với những kế hoạch cụ thể, thích nghi.

Khuyến Học La Khê đã hình thành từ tất cả những tấm lòng của con dân La Khê, mong rằng sẽ được nuôi dưỡng và phát triển bởi tất cả những tấm lòng đó với ước vọng chung, rồi đây trong tương lai, dưới bóng mát của lũy tre làng, trong ngọt ngào của hương lúa ngày càng có nhiều lớp trẻ thành đạt, đầy đủ tác phong đạo đức, kiến thức khoa học kỹ thuật để phục vụ và xây dựng xóm làng, đất nước quê hương.

Phạm Lê Kha