Giới Thiệu Tuyển Tập Thơ La Khê

Xin đừng hỏi: La Khê là ai? Cần chi phải biết đến "ai"? Nếu ai đó đọc thơ La Khê mà có một chút rung cảm qua một bài thơ hay một câu thơ nào đó để rồi hai chữ La Khê in dấu ấn trong ký ức người đọc thì "nhà thơ La Khê" hẳn lấy làm hân hạnh và trân quí lắm, còn hơn biết rõ là "ai" mà tâm hồn vô cảm, ký ức không một bóng mờ dấu vết. Bởi La Khê không phải là một người. Cái bóng dáng La Khê đông vui và rậm mát hơn nhiều.

Cũng xin đừng hỏi: La Khê ở mô?



Nào có quan trọng chi một tọa độ không gian nay còn mai mất trong cái thời gian vô tận này? Cái tên La Khê hiện hữu thường hằng trong tâm tư của ai đó mới là sự tồn tại vững bền. Thiệt là khó chỉ cho ai La Khê ở mô, vì La Khê đang có mặt khắp thế giới ta bà này, bên nớ bên ni, ở đây ở tê. Chỗ mô cũng có.

Có lẽ cũng như mọi người đọc khác, tôi chỉ là khách của La Khê, tôi chưa một lần đến La Khê xương thịt, và chỉ nhờ cơ duyên đưa đẩy mà lạc bước vào La Khê bằng con đường ảo. Và xem ra con đường này lại giúp tôi thơ thẩn thong dong như một lữ khách đường chiều, đi vào mọi thôn xóm của La Khê một cách gần gũi, với một ấn tượng thân quen nhẹ nhàng đằm thắm hơn con đường thực, như xưa kia một lần Vũ Anh Khanh đến thăm xóm đạo Tha La mà nhớ mãi.

Tôi không biết cầu Tréo, đường Quan, đập Ngang Mã Ổi, hay cồn Hoang, Cồn Đình nằm ở mô nơi La Khê thân quen mà chưa một lần thấy bóng . Tôi cũng không biết muốn tới xóm Miếu, xóm Chùa thì đi ngã nào . Nhưng tôi biết tới rất nhiều ngõ xóm khác của La Khê, những ngõ xóm tỏa ra khắp mọi chân trời góc biển, mỗi ngõ là một sắc thái, mỗi ngõ xóm là một miền tâm sự . Ngõ gần thì có xóm Huế với Phạm Hiển, Phạm Huy Ngữ, Văn Hiển, Nghiễm Lê, Tâm Quang, Nguyệt Đình, và Nguyễn Văn, xa hơn một chút thì có Phan Quý Nam và Cung Trọng Tư ở xóm Sài Gòn, và xa ngái ngàn trùng thì nào Cung Trọng Bảo, Cung Bảo Trân ở xóm San Diego, Lương Văn Lợi ở xóm Washington, rồi Đỗ Hữu Phước, Đỗ Thị Hồng Nhạn, và Cung Trọng Thanh ở xóm Virginia, và tuốt chỉ đèo heo có Phan Văn Thìn ở xóm Minesota mùa đông tuyết trắng.

Mỗi xóm một vẻ, mỗi nhà một mảnh đời, ngó như không ai giống ai nhưng kỳ thực lại cùng một sắc thái mang mang, cùng một màu sương khói mông lung của:


Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng xử nhân sầu [1]
Hay:


Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai. [2]
Bởi rứa, La Khê là nỗi nhớ. Không nhớ chi thì cũng nhớ ai, cả một quá khứ càng xưa càng dày, càng xa càng đậm. Tôi không rủ ai đó đi về La Khê, tôi chỉ mời ai đó đi vô La Khê, bởi vì người ta ai lại không có nỗi nhớ một lần trong đời, nên cứ thong dong mà dạo xóm, lữ khách sẽ được mời mọc, sẽ được cảm thông và thưởng thức, bởi vì ta lại thấy ta trong những trang thơ không đỏm dáng, rất hồn nhiên, nhưng lại chất chứa một bầu tâm tư của những mảnh đời ba chìm bảy nổi qua nhiều thế hệ... Bởi rứa, đây La Khê!


Võ Hương An 
San Jose, 05/2006
-------------------------------------------------------[1] Thơ Thôi Hiệu
[2] Thơ Tản Đà