Bảo Quyên - Cẩn Trọng Khi Dùng Điện Thoại Di Động

Các nhà khoa học Nga vừa khuyến cáo: Trẻ em dưới 18 tuổi không nên dùng điện thoại di động (ĐTDĐ).

Lý do - theo các nhà khoa học Nga - nếu dùng ĐTDĐ nhiều, đặc biệt trong các thành phố lớn, thì sẽ nhiễm bức xạ điện từ không khác gì công nhân làm việc ở các trạm phát điện.

Kết luận trên được rút ra khi nhiều người dân tại các thành phố coi việc khám sức khỏe định kỳ là việc bắt buộc. Và khi các bác sĩ khám bệnh cho những người này, đã thấy dấu hiệu của các hiện tượng bức xạ sóng điện từ.



Điều đáng nói là trong vài chục năm trở lại đây, vùng phủ sóng bức xạ điện từ ngày càng tăng lên. Đơn giản nhất là mạng lưới điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng được mở rộng. Và số người dùng ĐTDĐ trên toàn cầu đã vượt quá con số 3 tỉ người đã làm mất cân bằng sinh thái, đe dọa sức khỏe của nhiều người. Hầu như ai cũng biết và hiểu về hiện tượng sóng điện từ. Đó không chỉ là sóng có giải tần cao, mà cả công suất của nó. Chẳng hạn, những tia nắng mặt trời (có bức xạ từ) cũng có thể làm cháy da, hay có thể làm tổn thương mắt. Sóng có giải tần cao cũng có tác hại không kém tia nắng mặt trời.

Ngoài ra, sóng ngắn, thường được sử dụng trong các dịch vụ như GSM, D-AMPS, và Wi-fi cũng ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng của con người. Chỉ có điều khoa học ngày nay chưa thể chứng minh tác hại của chúng đối với cơ thể chúng ta ra sao.

Lãnh đạo phòng thí nghiệm sóng sinh học Nga - giáo sư Oleg Grigoryev, nói với hãng thông tấn RIA: "Dù hiện nay có nhiều nghiên cứu đối với ĐTDĐ, nhưng chưa thể nói cụ thể tác động của nó đối với con người. Song ít ra các nhà y học bước đầu đã biết được tác động của bức xạ từ đối với con người".

Các kết quả khám nghiệm sức khỏe cho thấy, nếu như ai đó sử dụng ĐTDĐ quá 1 giờ/ngày thì người đó nên đi khám sức khỏe định kỳ. Trong số này đáng kể nhất là các nhà báo, doanh nhân, những người thích "buôn dưa lê". Họ sẽ được xếp ngang hàng với các công nhân điện làm việc tại các trạm phát điện, quân nhân trong lĩnh vực phòng không (tên lửa, radar)...

Tại Moscow, nếu như năm 1996 lượng bức xạ chỉ ở mức 2 - 3 mcWt/cm2, thì đến nay đã là 10 mcWt/cm2, vượt mức chuẩn (đảm bảo cho sức khỏe con người) được quy định là 5 mcWt/cm2.

Đặc biệt, với trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi), các nhà khoa học khuyên nên tránh xa ĐTDĐ. Bởi tế bào của trẻ rất dễ thẩm thấu sóng từ. Và một khi lượng sóng từ và bức xạ từ càng tăng thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng theo tỷ lệ tương ứng. Tuy chưa thể đề cập đến tác hại của ĐTDĐ với trẻ, nhưng các nhà khoa học đã rút ra các kết luận về dịch tễ như sau: Những đứa trẻ sử dụng ĐTDĐ từ 8 - 12 tuổi, đến năm 21 tuổi khả năng bị u não cao gấp 5 lần người bình thường.

Theo giáo sư Oleg Grigoryev, nếu sử dụng ĐTDĐ thì về mặt nào đó, "đầu của chúng ta sẽ biến thành ăng-ten". Và để tránh ảnh hưởng thì chỉ có cách để chiếc ĐTDĐ cách chúng ta ít nhất là nửa mét. Trong trường hợp không thể không dùng ĐTDĐ, thì chỉ nên dùng nó 15 phút/ngày. Cũng cần biết thêm, hơn gần 10% người châu Âu cho rằng, họ bị đau đầu, hay run rẩy, căng thẳng... chính là do tác động của bức xạ sóng điện từ. Nơi nào có nhiều sóng điện từ, nơi đó sẽ phát sinh những căn bệnh mà các nhà khoa học khó có thể nhận ra một sớm một chiều.

Bảo Quyên (Theo Gazeta.ru)

Nguồn: Báo Thanh Niên ngày 09/02/2009