BS Phan Quý Nam - Sống Khỏe Ngay Trong Nhà

Thế giới đang nói rất nhiều đến vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng hình như ít ai quan tâm đến ô nhiễm không khí trong nhà mặc dù các nghiên cứu hiện nay cho thấy, tác hại rất lớn đến sức khỏe, nhất là với những người hay bị dị ứng, bệnh phổi (suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản)...



CHẤT THƯỜNG GÂY Ô NHIỄM TRONG NHÀ

Hóa chất: hơi benzene bám vào quần áo khi chúng ta đổ xăng, chất tetrachloroethylene còn bám vào quần áo giặt khô mới được lấy về và được cũng tỏa ra từ từ vào không khí ở nhà. Sơn và vẹcni cũng gây hại khi bốc hơi. Thuốc diệt gián, ruồi, kiến, diệt nấm hay giấy dán tường ở nhà cũng chứa nhiều hóa chất. Các chất chà bóng giày, sàn nhà, đồ gỗ... có thể không tốt nếu nhà ít thông khí. Nước rửa chén, lau nhà, vệ sinh nhà cầu... dùng với số lượng nhiều hay lưu trữ không đúng cách cũng nguy hiễm, đặc biệt, chất dùng để tẩy sơn có thể gây tử vong.

Đồ dùng bằng nhựa: đồ dùng bằng nhựa dẻo như túi xách, rèm cửa buồng tắm, bao gối, bao giường, cũng có thể gây hại. Nhựa càng dẻo, càng có khuynh hướng thải ra các chất bay hơi có thể gây kích thích.

Vật liệu xây dựng: Asbestos dùng trong các vật liệu cách âm, cách nhiệt, làm trần và sàn nhà, xi măng, vật liệu xây dựng khác hay Formaldehyde trong gỗ dán, ván ép, nệm...

Khí độc: chất thải khi đốt dầu hôi, củi, gaz.

Chất gây nhiễm trùng, dị ứng: bụi, phấn hoa, lông vật nuôi trong nhà, mạt trong nệm giường chiếu... Nấm, mốc, vi trùng... trong các máy lạnh, quạt nước, cây trồng trong nhà.

LÀM GÌ?

Rất khó loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm không khí trong nhà nhưng có ba nguyên tắc chung:

Kiểm soát nguồn ô nhiễm: đây là giải pháp tiết kiệm nhất. Nếu dùng bếp gaz thì lưu ý ngọn lửa phải xanh và phải tuân thủ cách hướng dẫn sử dụng. Tốt nhất, nên chuyển sang dùng các sản phẩm tự nhiên chứa ít chất độc hơn. Hạn chế dùng các thuốc xịt trong nhà; giữ sơn và các chất tẩy trong thùng hay bình chứa bịt kín, để tại những nơi thoáng mát. Để quần áo giặt khô mới lấy về ra ngoài trời 1-2 ngày trước khi đem cất. Giặt khăn trải giường, chiếu thường xuyên với nước nóng. Đặc biệt, không hút thuốc trong nhà vì khói thuốc gây nguy hại cho những người trong gia đình.

Thông khí tốt: tương đối tốn kém nhưng cần thiết. Nên mở cửa và cửa sổ nhiều hơn, dùng quạt để thải khói thuốc, hơi gaz, mùi nấu ăn... ra khỏi nhà. Nhớ rằng phần lớn các máy điều hòa không khí không mang không khí tự nhiên vào trong nhà. Lưu ý thông khí phòng tắm để tránh phát triển nấm mốc.

Làm sạch không khí: Làm sạch thường xuyên các máy điều hòa nhiệt độ, ống dẫn gaz, quạt nước... Các thiết bị lọc không khí chưa thông dụng và khó kiểm soát chất lượng nhưng thường không làm sạch được các khí, mùi, các chất bám vào sàn nhà, tường... Trồng cây trong nhà cũng góp phần làm sạch không khí và đừng để đất ẩm quá vì đó là môi trường tốt cho sự phát triển của các vi sinh vật, dễ gây các bệnh đường hô hấp.

Phần lớn thời gian chúng ta đều ở trong nhà do đó việc giữ sạch không khí tại nơi ở và chỗ làm việc rất cần thiết cho sức khỏe.

BS Phan Quý Nam