BS Phan Quý Nam - Ăn Tết sao cho ... khỏe

Tết đang đến rất gần. Và những ngày đoàn tụ vui vẻ đang là nỗi mong chờ của nhiều gia đình. Lúc này, người nội trợ thường bận bịu, lại thích nấu những món đặc biệt hơn ngày thường cho gia đình và bạn bè, lượng thực phẩm mua để dành lại nhiều nên rất dễ có thức ăn nhiễm bẩn gây ngộ độc. Nguyên nhân thường là: thịt cá sống hay chưa nấu đủ chín; các loại rau quả tươi bị nhiễm bẩn (ở bề mặt hay cả bên trong); sản phẩm sữa không tiệt trùng đúng mức; trứng sống hay nấu chưa chín. Khi bị ngộ độc, thường bị đau bụng, mắc ói, ói, tiêu chảy và sốt. Chỉ có một số trường hợp nguy hiểm mà thôi nhưng thường ở trẻ em nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người có sức đề kháng yếu như khi đang hóa trị hay xạ trị, bệnh nhân tiểu đường, nghiện rượu ...v.v.



GaTay

Để ăn Tết an toàn, nên luôn luôn:
  1. Làm sạch: rửa sạch kệ bếp và các dụng cụ nấu nướng; rửa tay xà bông trong ít nhất 20 giây trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi sử dụng toa-lét, thay băng vệ sinh hay sờ vào các vật nuôi trong nhà; rửa rau quả tươi dưới vòi nước sạch.

  2. Để riêng: không để chung thực phẩm tươi sống với đồ ăn liền hay đã nấu chín. Khi làm thức ăn, nên dùng hai cái thớt, một cho thịt cá tươi sống và một cho thực phẩm tươi đã rửa sạch và thực phẩm ăn liền.

  3. Nấu chín: phải nấu chín thức ăn đạt đến nhiệt độ bên trong thức ăn thích hợp. (Đối với gà vịt nguyên con, nhiệt độ thích hợp là 85 ºC. Đồ hâm lại, trứng, thịt gà băm nhỏ, nước sốt kèm theo: 74 ºC. Thịt heo chiên, thịt heo hay thịt bò xay, nước sốt kèm theo: 71 ºC; Thịt bò chiên (bí-tết): ít nhất 63 ºC.
    Khi đã nấu xong, lấy thức ăn ra khỏi bếp và dùng một nhiệt kế điện tử ấn vào nơi dày nhất, không đụng vào xương, mỡ. Nếu chưa đạt đến nhiệt độ phù hợp, nên nấu lại. Không thể thiếu một nhiệt kế thực phẩm điện tử trong bếp ăn gia đình.

  4. Giữ lạnh: Vi trùng có thể phát triển rất nhanh trong khoảng nhiệt độ 4ºC -60ºC, nên nhiệt độ trong phòng rất thuận lợi cho sự phát triển này. Vì vậy, dùng ngay thức ăn dự trử khi chúng còn lạnh. Những miếng thịt quá to, nên cắt nhỏ trước khi để ngăn đá. Những đồ ăn thừa, nên để tủ lạnh trong hộp có nắp đậy, trong vòng hai giờ. Nếu có dấu hiệu khả nghi phải bỏ đi.
    Nên xả đá trong tủ lạnh, trong lò vi ba hay dưới vòi nước. Thức ăn xả đá trong lò vi ba hay dưới vòi nước phải được nấu ngay. Nếu thịt chưa có thời gian xả đá mà đã nấu thì phần bên ngoài sẽ chín trong khi phần bên trong chưa đủ nóng để diệt trùng. Không nên làm đông trở lại thức ăn đã rã đông.

Lưu ý với một số thực phẩm đặc biệt:

Hải sản: cần được nấu kỹ, nếu vẫn muốn ăn cá sống nên chọn cá đã được đông lạnh trước đó. Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, bệnh nhân có sức đề kháng kém không nên ăn hải sản sống hoặc chưa nấu kỹ.

Rau quả tươi: nên gói riêng khi mang từ chợ về nhà. Cất tủ lạnh rau quả đã cắt sẵn trong vòng hai giờ, Rửa dưới vòi nước trước khi ăn. Ngay cả khi phải gọt vỏ trước khi ăn cũng phải rửa trước. Nhớ rửa tay xà bông trước khi chế biến rau quả tươi và không ăn rau quả tươi đã đụng vào thịt cá số.

Thịt khô: Nên mua thịt khô được đóng gói hơn là treo ngoài trời, sau khi mở bao nếu ăn không hết phải để tủ lạnh.

Đồ hộp: Không dùng những đồ hộp có dấu hiệu phồng lên, lõm vào hay rò rỉ, rửa hộp trước khi ăn.

BS Phan Quý Nam