BS Phan Quý Nam - Nói Gì Với Bác Sĩ

Đưa con đi khám bệnh, hay chính bạn đi khám bệnh, có nhiều điều muốn nói nhưng bạn quá bận mà bác sĩ cũng lại "quá tải" vậy làm thế nào để tận dụng thời gian ít ỏi này?



Thầy thuốc và bệnh nhân

Bác sĩ ngày càng có ít thời gian hơn để dành cho bệnh nhân do đó cha mẹ cũng nên tự trang bị kiến thức để chăm sóc con và chỉ gặp bác sĩ khi cần thiết. Internet đã cung cấp một khối lượng lớn các thông tin về sức khỏe và bệnh tật tuy nhiên đôi khi bạn lại rất lúng túng vì không biết nên tin cái nào! Đến phòng khám, lại phân vân vì bác sĩ cũng tỏ ra căng thẳng và có khi không đồng ý với các thông tin mà bạn đã đọc được. Thêm nữa, đôi lúc, bạn tỏ ra chưa tin tưởng vào chẩn đoán và điều trị của bác sĩ đối với những bệnh thông thường, thí dụ thay vì "để chờ và theo dõi" thì bạn lại nóng lòng muốn bác sĩ phải ghi toa thuốc tốt nhất và mạnh nhất cho con mình ...

Nói chuyện gì?

  • Giao tiếp thành công là trao đổi cởi mở và có những yêu cầu hợp lý. Bạn chờ đợi bác sĩ những điều gì?
    -
    Giúp theo dõi sức khỏe của con
    -
    Giải thích sự phát triển và tăng trưởng của con
    -
    Chẩn đoán và điều trị các bệnh thông thường
    -
    Giải thích bệnh của con và cách điều trị
    -
    Giới thiệu bác sĩ chuyên khoa hoặc đi bệnh viện, khi cần.
  • Bạn có thể bày tỏ sự tin tưởng và cho biết mong muốn việc chẩn đoán và điều trị ưu tiên hướng đến sức khỏe của con chứ không nhằm thuận tiện cho công việc hay chỉ làm cho bạn yên tâm.
  • Chuẩn bị các câu hỏi, viết ra giấy các chi tiết liên quan đến bệnh của con (để khỏi quên và đỡ mất thời gian suy nghĩ) càng rõ ràng càng tốt, thí dụ nhiệt độ là bao nhiêu, lấy nhiệt lúc mấy giờ; tiêu chảy mấy lần, mỗi lần chừng bao nhiêu, uống nước mỗi ngày là bao nhiêu ...
  • Nói rõ điều mình lo lắng dù bác sĩ không hỏi đến: đã làm gì để làm giảm các triệu chứng, kết quả ra sao và có triệu chứng gì mới không.
Một số gợi ý

  • Ai cũng cần có kiến thức nhưng cần có thông tin chính xác. Hỏi ý kiến của bác sĩ về một thông tin nào đó chỉ nên giới hạn ở mức tối thiểu, tránh mất thời giờ.
  • Nên tập trung vào lý do đến khám, tắt điện thoại di động, không bàn đến những vấn đề khác. Muốn hỏi thêm nhiều điều, có thể chọn dịp khác thích hợp hơn.
  • Trước khi rời phòng khám, bạn cần hiểu rõ cách theo dõi bệnh của con bạn thế nào, cần làm những xét nghiệm gì, nên ghi lại những chỉ dẫn đó trên giấy.
  • Uống thuốc theo toa nhưng không giảm hay thêm triệu chứng mới, nên báo lại cho bác sĩ.
  • Khi quá bận, người đi thay bạn nên là người gần gũi và biết rõ bệnh tình con bạn.
  • Chỉ nói qua điện thoại những chuyện khẩn cấp.
Quá lo âu bệnh của con có thể làm cho quan hệ giữa bác sĩ và cha mẹ trở nên căng thẳng. Thông thường bác sĩ sẽ giúp bạn được rất nhiều nếu như bạn chuẩn bị tốt cho việc gặp gỡ. Bạn cần biết điều này, theo một nghiên cứu ở Mỹ, 80 phần trăm việc chẩn đoán bệnh là nhờ vào các cuộc hỏi bệnh, chỉ có 20 phần trăm do các kết quả xét nghiệm và khám bệnh của thầy thuốc.

BS Phan Quý Nam