Cung Trọng Bảo - La Khê, Làng Tôi

(Cám ơn Phạm Hiển đã giúp một số tư liệu)

Nhà thơ Chế Lan Viên có hai câu thơ thật giản dị mà mãi đến bây giờ vẫn còn lay động lòng tôi:
          Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
          Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn!
Thật thế; bởi chỉ với một vùng đất xa lạ, làm địa điểm tạm dung cho cuộc đời mình ở một thành phố lớn miền Nam cũ vậy mà khi phải đi xa, nó đã làm tôi đau đớn vô cùng, huống hồ gì khi nếu mảnh đất đó lại là nơi chốn cưu mang hơi thuở đầu tiên của đời mình. Phải nói thật rằng, mãi đến mùa thu năm 1965, lần đầu tiên từ biệt làng quê đi học ở xa mà những lần trở lại sau đó mà chỉ là vài chuyến về thăm ngắn ngủi, vội vàng, tôi vẫn chưa thể định danh được một cách rõ ràng hay bắt gặp được cái bóng dáng tình cảm đích thực của mình đối với làng quê. Có thể vì làng quê đã quá gần gũi thân quen đến đổi tự nhiên như hơi thở của mình chăng? Có thể vì làng quê cứ ở mãi trong tầm mắt thơ dại và vòng tay non trẻ của mình nên chẳng thấy có gì trân quý chăng? Hay cũng có thể vì tuổi học trò hồn nhiên ngày ấy đã chưa thể bị thuyết phục bởi một hình ảnh cảm động trong cuốn quốc văn giáo khoa thư thuở nào- hình ảnh của một người sau khi đi du lịch nhiều nơi trở về đứng nói với bà con lối xóm rằng:” không nơi nào đẹp bằng quê hương cả”-Tôi chỉ biết rằng, sau này khi đã thực sự xa quê hương đằng đẳng, năm này qua năm khác; khi mở mắt ra không thấy ruộng đồng, không thấy lũy tre xanh, không thấy bóng mẹ già cặm cụi, tôi mới nhận thấy một sự thiếu vắng rất đổ đậm đà, rất đổi thiết tha trong tôi; nhất là bây giờ khi tuổi đời đã làm tóc tôi sương điểm, khi mà khoảng cách không gian giữa tôi và làng đã đến nửa vòng trái đất, thì làng quê đã thực sự trở thành một tâm hồn vĩ đại hiện hữu trong tâm hồn nhỏ bé và trăn trở của mình. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc thật sự bởi tôi đã may mắn hơn một số người khác vì tôi đã có một làng quê để sinh ra, một làng quê để nuôi lớn tuổi thơ của mình và một làng quê để nghĩ đến bây giờ. Tôi lại tin tưởng một cách giản dị rằng niềm hạnh phúc riêng tư đó có thể được nhân lên nếu nó được đem chia xẻ với người khác và cách để chia xẻ chân thành nhất mà tôi có thể làm được bây giờ là mời bạn bè ghé thăm La Khê, làng tôi, qua những hình ảnh hồi ức, những suy tưởng vàt tình cảm tản mạn viết bởi trái tim một đứa con phiêu bạt của làng.



          Tuổi mười tám, đã làm thân xa xứ
          Chút hành trang là mắt mẹ buồn khô
          Thơ ấu cũ, nửa đời nay tóc bạc
          Đời tha phương hoài vọng xóm làng quê.

VÀI DÒNG LỊCH SỬ

Theo một vài tư liệu và các trích lục phổ úy (gia phổ) còn lưu lại, làng La Khê nói chung nguyên thủy được xuất phát từ Hải Hưng, Miền Bắc, thời điểm tiến vào lập nghiệp ở các vùng đất hiện nay không thể xác định đích xác được; nhưng một điều chắc chắn là làng đã được hình thành trước thời vua Gia Long trị vì. Chúng ta có thể tin như vậy bởi một tài liệu cũ có ghi chép lại, theo tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, rằng một vị danh y người làng La Khê đã được vua Gia Long bổ dụng vào chức chánh ngự y Triều Đình sau khi vị này thành công trong một ca đỡ đẻ khó khăn cho hoàng hậu. Ngoài ra, một sử liệu chứng minh khác là học vị phó bảng được vua Minh Mạng công nhận vào năm 1829, và làng La Khê có một sắc thái khá đặc thù như hình ảnh một con song lớn chia thành năm nhánh trước khi đổ vào biển rộng, đó là các vị tiền nhân của làng theo dòng lịch sử khi nam tiến vào Thuận Châu và Hớn Châu lập nghiệp (nay là Thưà Thiên) đã sinh cơ và khai khẩn tại nhiều địa phương khác nhau, tuy cách trở khác nhau nhưng vẫn tìm cách giữ lại được một danh hiệu truyền thống chung cho tên gọi của làng mình trên mỗi vùng đất mới. Do vậy, qua quá trình tạo lập, La Khê đã có những khu định cư khác nhau, tên gọi hành chánh khác nhau, chịu sự thống thuộc và quản lý của các tổ chức địa phương khác nhau nhưng vẫn giữ được mối quan hệ huyết thống về cội nguồn, mối tình cảm anh em đậm đà thủy chung. Thời gian đầu có thể làm cho các thế hệ con cháu về sau giữa các vùng có phần bỡ ngỡ nhau hơn, nhưng trên một tổng thể, mỗi một La Khê này lúc nào vẫn là một gắn bó vững chắc với một La Khê khác trong lễ hội truyền thống trong sinh hoạt xã hội và trong đạo lý tình người.
  1. La Khê Truồi: tên gọi ngày xưa là La Khê ấp Truồi, ngày nay thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc.

  2. La Khê Trẹm: văn tự khế ước cũ gọi là phường Lưỡng Kỳ, ngày nay thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà.

  3. La Khê Bãi: văn tự khế ước gọi là phường Bình Lõi, ngày nay thuộc xã Hương Thọ, Huyện Hương Trà.

  4. La Khê Hói: Ngày nay thuộc thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy.

  5. Làng La Khê chính: Ngày xưa còn gọi nôm na trong dân gian là Làng La Khê Bột. Tên gọi hành chánh của làng này từ trước đến nay vẫn không thay đổi, vẫn là làng La Khê. Làng La Khê thuộc xã Hương Vinh, Huyện Hương Trà, và đây cũng chánh là làng quê tôi sinh ra, là đối tượng của bài viết này qua một số tìm hiểu về hiện trạng và đặc điểm, cũng như về tiềm năng và triển vọng phát triển của làng. Bài viết sẽ không mang nặng tính biên khảo của một thống kê chính xác thuần túy và những số liệu, nếu có sẽ được thể hiện như khái niệm tổng quát cho yêu cầu phân tích và chuyên chở ý tình cùng cảm nhận chủ quan của người viết mà thôi.

VỀ ĐỊA LÝ DÂN SỐ

Nằm khiêm tốn ở đoạn giữa của mảnh đất quê hương dài ngàn dặm; La Khê, làng tôi đã quyện vào hơi thở của mình không ít những đổi thay và biến động lịch sử của đất nước. Phía Tây xa xa của làng dãy Trường Sơn bạt ngàn hùng vĩ, phía Đông là biển rộng trùng trùng, và theo cánh chim bay về hướng Nam mầu mỡ, làng bắt gặp dòng sông Hương thầm lặng soi bóng Hoàng cung. Làng có chu vi hình chữ S khoảng 2.200 mét, 2 mặt ruộng đồng, 2 mặt là nhánh sông nhỏ đổ vô từ thượng nguồn về. Nằm kế cận chung quanh là các làng Địa Linh, Thế Lại Hạ, Minh Thanh và Bảo Vinh. Với một diện tích khoảng chừng 250.000m2 .Khởi thủy làng có 4 xóm: xóm Đình (sau này gọi là xóm Ngoài), xóm Giữa, xóm Miếu (về sau gọi là xóm Trong), và xóm Rào. Ngày nay, về mặt tổ chức, làng chính thức chỉ còn 3 xóm là xóm Ngoài, xóm Giữa và xóm Trong.

Xóm Rào với 32 hộ và 162 dân do vị trí địa lý đặc biệt của nó đến nay đã được tách ra khỏi La Khê để trở thành 1 đơn vị hành chánh của thôn Minh Thanh. Tuy không còn thống thuộc về mặt quản lý, nhưng xóm Rào vẫn liên hệ rất chặt chẻ trên các mặt nghĩa tình, huyết thống ruột rà, cũng như trong các sinh hoạt văn hóa xã hội. Nói cách khác, người dân xóm Rào vẫn như là người dân La Khê dầu không còn ở trong làng La Khê.

Làng hiện nay có tổng cộng 14 tộc gồm (xếp theo A B C): Cung, Đặng, Hồ, Huỳnh, Lê, Lương, Nguyễn văn, Nguyễn thanh, Nguyễn thượng, Phan, Trần, Trương, Võ.

Ngày xưa khi thành lập làng, chỉ có 5 họ: Họ Trần, Họ Nguyễn, Họ Lê… Sau có có thêm họ Hồ, Họ Trịnh. Họ Trịnh ngày nay không còn sinh sống trong làng nữa.

Theo một thống kê mới nhất, làng có khoảng 254 hộ dân và 1179 dân. Thành phần xuất xứ chủ yếu vẫn là từ con dân của các tộc họ cơ bản của làng, tuy nhiên nay các thành phần này có phần đa dạng và phong phú hơn. Nguyên nhân là do sự phát triển của xã hội, của nhu cầu giao lưu mở rộng, điều kiện kinh tế và các loại hình sinh hoạt được nâng cao, các tập quán lỗi thời xưa cũ được cải thiện nên những cuộc hôn nhân tạo lập gia đình vượt qua khỏi biên giới lũy tre làng ngày càng nhiều hơn. Nếu trong những thập niên 40, 50, và 60 hiện tượng này tương đối ít xẩy ra, thì nay làng đã có khá nhiều cô dâu chú rể xuất thân từ trên mọi miền đất nước. Tính đa phương này cũng là một trong những yếu tố đem lại sự tươi mát và tăng thêm sức mạnh của tập thể dân làng.

Làng không có một thắng cảnh hay một di tích nào nổi tiếng được truyền tụng như một vài làng khác, không có được cái ưu điểm của một vị trí “nhất cận thị, nhì cận giang” nhưng làng không ở qua xa trung tâm tỉnh lỵ nên vẫn có được những thuận lợi nhất định cho dân làng trong việc hội nhập vào lãnh vực giáo dục, y tế, thương mãi, mưu sinh và những tiện nghi công ích khác từ thành phố mang lại.

Tuy cây không cao, nước không sâu, ruộng đồng cò bay chưa thẳng cánh, tài nguyên chưa thật dồi dào, tuy thời tiết vẫn khắc nghiệt với những mùa hạ về trong cơn gió Lào rát mặt, với những lũ lụt của mỗi đông sang, nhưng chính cái nhỏ bé hiền hòa trong một cảnh quan hữu tình bình dị cùng tấm lòng chất phát thuần hậu nhưng hiếu khách và tình cảm trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm của người làng La Khê đã làm cho làng tôi vẫn mãi mãi là một địa chỉ rất dễ cầm chân bất cứ một khách lữ thứ nào có dịp ghé ngang qua.

          Làng tôi đó, trăng đầy trên xóm nhỏ
          Tiếng chuông chùa lay động buổi sương khuya
          Đêm cô tịch đậm đà câu mẹ hát
          Lời ca dao nuôi lớn một đời con.

ĐẶC ĐIỂM NHÂN VĂN

Cũng như các địa phương khác, làng tôi rất chú trọng đến việc duy trì và bảo quản giá trị văn hóa truyền thống đồng thời với việc phát triển các mặt công tác trong những lãnh vực giáo dục, tôn giáo và xã hội công ích.

Một hình ảnh có tính cách biểu tượng nhất cho trung tâm tình cảm của người La Khê là Ngôi Đình Làng. Tọa lạc trên một khuôn viên thoáng đãng ở phía Tây Nam, giáp ranh với con lộ chính và uy nghi hướng về nội thành cổ kính. Đình làng là nơi thờ phụng và tưởng niệm các ngài Khai Canh, ngài Khai Khẩn và ngài Công thần. Đình tựa như trái tim của làng, là điểm hướng vọng của mọi tấm lòng dù đã đi xa, là nơi hội tụ tinh thần và lòng biết ơn tiên tổ của các thế hệ con dân của làng.

Hai cuộc chiến tranh đi qua, ngôi đình làng với kiến trúc nguyên thủy đã bị tàn phá, và hư hại nặng nề vào năm 1949. Đình được tu sửa lần thứ nhất năm 1958, tu sửa lần thứ hai và mở rộng thêm ra vào năm 1961. Năm 1962, hoàn thành công trình La Thành Trụ Biểu và gần đây nhất vào tháng 12/95, toàn thề con dân làng trong cũng như ngoài nước lại thêm một lần nữa cùng chung góp sức để chỉnh trang ngôi đình cho thêm phần đẹp đẽ, uy nghi. Cây có cội, nước có nguồn, người dân làng tôi luôn tâm hướng về đây bằng một thứ tình cảm hết sức thiêng liêng, đậm đà thủy chung dẫu ngay cả trong những lúc khốn khó nhất của đời mình. Đình còn là địa điểm tổ chức những lễ hội lớn hằng năm của làng. Hơn 32 năm trôi qua tiếng trống cúng đình trong ngày lễ hội đầu xuân thuở nào khi tôi còn nhỏ dại vang vọng dưới làn mưa bụi lất phất qua khắp xóm làng vẫn mãi là một ấn tượng mạnh mẽ trong tôi cho đến bây giờ. Không là tiếng trống reo vui trăng tròn trung thu tháng tám, tiếng trống cúng đình đầu xuân mông lung âm huởng của một mời gọi trở về quá khứ, thôi thúc nhưng dịu dàng, huyền hoặc nhưng gần gũi, và như quyện lẫn một nỗi xúc động mông lung nào đó dạt dào ở bên trong cung điệu.

Một đặc điểm văn hóa khác của làng là tính thuần nhất tôn giáo. Hầu hết dân làng theo đạo thờ cúng ông bà và phật giáo. Khuôn giáo hội của làng có tên là khuôn giáo hội Hương Khê chính thức lập ngày 27/8/1965 (Phật lịch 2509- năm Ất Tý). Ban Hộ tự ban đầu có 6 vị, sau được hỗ trợ đắc lực của 11 vị nũa đã tiến hành vận động và xây dựng chùa La Khê. Ngôi chùa tọa lạc ở xóm Ngoài, cùng hướng với Tổ Đình, được khởi công xây cất ngày 19 tháng 2 năm Bính Ngọ (Phật lịch 2510-năm 1966), bằng chính tâm huyết khả năng và điều kiện đóng góp của chính dân làng trong và ngoài tỉnh. Những công trình được tiếp tục sau đó gồm Lễ Tôn Thượng Phật được cung thỉnh từ Sài Gòn về vào ngày 21 tháng 12 Đinh Mùi (1967- Phật lịch 2511), Lễ Chú Đại Hồng Chung (Đúc Chuông) vào ngày 19 tháng 2 Canh Tuất (1970 - Phật lịch 2514) và công trình xây dựng tượng đài lộ thiên khởi công từ ngày 19 tháng 2 Nhâm Thân (1992).

Ngày nay chùa làng đã hoàn chỉnh mọi tiện nghi để làm nơi cho con dân làng tu học giáo lý phật pháp dưới sự dìu dắt của một vị đại đức được bổ nhiệm từ giáo hội tỉnh nhà.

Sớm sớm chiều chiều, tiếng chuông chùa làng vang vọng như trải rộng tấm lòng từ bi cao cả của đức phụ kính yêu, như một nguyện cầu an lạc vĩnh hằng cho tất cả các con dân và như một an ủi vỗ về cho một số mảnh đời vẫn còn lận đận buồn đau.

          Khi trở lại bước lần trên bệ đá
          Chùa làng tôi trầm mặc bóng từ bi
          Đem xúc cảm một đời dâng liễu ngạn
          Hồn ăn năn mơ tới cõi vô cùng.

VỀ VĂN HÓA GIÁO DỤC

Với một truyền thống giáo dục từ lâu đời, qua thời gian, con dân làng đã có những tiến bộ rất đáng trân trọng. Nếu trong năm trước 1990, tình trạng trẻ em thất học khá phổ biến, thì ngày nay tất cả các em đến tuổi đi học đều được đến trường. Sỉ số học sinh của làng tăng mạnh mẽ. Năm 1997, làng có khoảng 200 học sinh và sinh viên chiếm tỷ lệ 19% của dân số (trong năm 1965 tỷ lệ này chỉ 5%; năm 1975 là 9% và năm 1985 là 12%). Không kể số con dân đang sinh sống ngoài làng, hiện nay làng có đến 19 em sinh viên Đại Học và Cao Đẳng của các ngành. Đây là một bước tiến nhảy vọt rất đáng ngạc nhiên trong lãnh vực đầu tư chất xám; bởi vì so với những năm trước 1975 thì chỉ số này đã hết sức khiêm tốn, tính bình quân mỗi năm không quá 4 người. Hẳn nhiên, các thành quả trên là một quá trình tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau, từ tác động khách quan của phát triển kinh tế, xã hội và dân trí trong cảnh chung, từ chính sách và ưu tiên chăm lo, mở rộng kiện toàn gíáo dục của chính quyền địa phương và nhà nước. Nhưng ngoài ra chính một số đặc điểm chủ quan khác mang tính nội tại của người dân làng cũng đã là một phần đóng góp rất lớn. Đó chính là tinh thần hiếu học bền bỉ xuyên suốt qua nhiều thế hệ của đại đa số học sinh trong làng; đó chính là tấm lòng tôn sư trọng đạo luôn được phát huy gìn giữ; đó chính là sự hy sinh vô bờ của những tấm lòng La Khê, dẫu trong năm tháng còn gian nan khổ cực, thiếu trước hụt sau cũng âm thầm chắc chiu tần tảo lo cho con cái học hành. Thế hệ tôi và thế hệ sau tôi đã không ít những thành đạt vươn lên từ các cảnh đói nghèo, bất hạnh nhất, từ đôi chân trần xuôi ngược của những bà mẹ kham khổ, vai gầy áo nối, của bà mẹ góa bụa nửa dời thân cò lạn lội cưu mang và những tấm lưng còng chở nặng nắng sớm mưa trưa nơi ruộng đồng lam lũ. Tôi trân quý những con người, những tấm lòng và những cảnh đời như vậy; bởi chính họ, chính những kiên trì tuyệt vời đó là một trong những giá trị căn bản giúp cho truyền thống giáo dục của làng tôi được đứng vững.

          Xin ngưỡng mộ mẹ làng quê sớm tối
          Bước chân trần vẫn nặng những lo toan
          Thân áo mỏng che tấm lòng biển lớn
          Chở phù sa mở rộng lối con vào.

Nhằm góp phần khuyến khích và đẩy mạnh việc học hành của con em trong làng, năm 1996 Ban Khuyến Học La Khê gồm một số thành viên có tâm huyết được thành lập. Ban Khuyến Học La Khê qua sự phối hợp với đồng hương ở xa đã tạo điều kiện giúp đỡ học sinh bằng cách hằng năm tổ chức phát thưởng cho những học sinh giỏi và cấp học bổng cho những học sinh mới trúng tuyển đại học. Mô thức hoạt động dân lập này đã góp phần tạo thêm sự hứng khởi cho con em trong làng, giúp đỡ thiết thực một số tân sinh viên. Tuy nhiên vì trong giai đoạn phôi thai, do ngân khoản huy động được còn hạn chế nên Ban đã chưa thể mở rộng thêm phạm vi hoạt động như mong muốn. Khuyến Học cũng có một hoạt động “vác ngà voi” khác là điều hành một tủ sách mới thành lập. Công tác này đang có tính cách thử nghiệm, trong tương lai khi định hình được một phương thức khả dĩ hữu hiệu và thích hợp được với khả năng, hoàn cảnh, tủ sách sẽ có hướng trang bị thêm cho phù hợp với nhu cầu giải trí và trau dồi kiến thức của giới trẻ trong giai đoạn chuyển mình đi lên của làng.

Khi nói đến khía cạnh giáo dục của làng, một hình ảnh thường được liên tưởng đến ngay; đó là trường tiểu học 2 Hương Vinh. Về mặt chính danh, trường Hương Vinh không phải là trường làng, cũng không có một xuất xứ nguyên thủy từ làng, nhưng từ năm 1954, do đặc tính hình thành của nó, cũng như tiến trình lịch sử của trường đã có quá nhiều ràng buộc với dân làng về mặt nghĩa tình, tâm huyết, công súc cho nên trường đã trở thành như một ruột rà, máu thịt của làng, một thực thể không thể phân ly ra khỏi phạm trù sinh hoạt và dòng tình cảm của dân làng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho phụ huynh ở các làng kế cận cứ quen gọi là trường La Khê thay vì tên gọi chính thức của nó-trường tiểu học 2 Hương Vinh. Hiện nay trường có 540 học sinh của 15 lớp học từ 1 đến 5. Trường tọa lạc trên một khu đất rộng 4 sào ½ ở sát ngay cạnh đình làng, được khởi công xây cất năm 1955.

Ban đầu trường chỉ có 3 phòng học, qua nhiều lần tu bổ, xây dựng, ngày nay trường đã có một cơ sở khá khang trang với 8 phòng học, một văn phòng, 1 thư viện và dãy trường bao bọc chung quanh.

Nơi đây, những trí tuệ đầu đời của con cháu làng tôi đã được khai mở. Nơi đây những bà mẹ làng quê tôi đã từng một thời trong “buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh” âu yếm dẫn đứa con thơ dại lần đầu tiên đến lớp trong bỡ ngỡ lo âu. Và cũng nơi đây đã chứng kiến biết bao mái đầu xanh chân phải bước đi xa nhưng mắt cứ còn ngoảnh lại lưu luyến bùi ngùi bạn cũ thầy xưa.


          Trong bụi phấn dịu dàng cô giáo mới
          Bóng thầy xưa vầng tráng vẫn trầm tư
          Cây phượng vĩ đỏ màu thương kỷ niệm
          Đợi thu về thay lá nhớ bâng khuâng.

ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ

Về nông nghiệp: Hoạt động kinh tế chủ yếu của làng cho đến nay vẫn là nông nghiệp với khoảng gần 100 hộ gia đình chuyên canh. Chế độ tư điền chấm dứt từ sau tháng 4, 1975. Tài nguyên sản xuất của làng có khoảng 153 mẫu công điền được phân biệt theo tên từng xứ ruộng khác nhau như: Đat 10, Đat 11, Đường Quan, Bầu Ổ, Cồn Bốm, Nền Một, Nguyệt Trì, Cồn Đình Chùa, Mã Ổi, Ruộng Họ, Điển Nội, Điển Ngoại, Cồn Rấy, Cồn Hoang…

Toàn bộ lực lượng sản xuát được tổ chức thành hai Đội dưới sự quản lý của hợp táx xã nông nghiệp Hương Vinh. Làng được áp dụng phương thức khoán diện tích canh tác cho mỗi hộ nông dân tùy theo số lao động trong thời gian 20 nnăm và mỗi hộ được cấp sổ quyền xử dụng dài hạn số diện tích này. Sản lượng thu hoạch trong lãnh vực nông nghiệp đã đạt được kết quả tốt đẹp nhờ vào các đặc điểm sau đây:
  • Vai trò tích cực của hợp tác xã trong quá trình điều hành hệ thống thủy lợi, hướng dẫn cách thức bảo vệ thực vật, cung cấp giống lúa mới có năng xuất cao, phổ biến các phương thức canh tác mới có hiệu quả.

  • Chế độ luân canh được áp dụng triệt để nhằm canh tác thường xuyên hai vụ lúa nước mỗi năm cũng như nỗ lực xen kẻ các hoa màu phụ.

  • Hầu hết các công đoạn sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hoá tối đa như hệ thống tưới tiêu bằng máy bơm, hệ thống máy cày và máy tuốt lúa đã thay thế sức lao động của đàn trâu. Nhờ vậy tiết kiệm được thời gian và hạ giá thành không ít.

  • Phân bón được sử dụng đúng mức cho yêu cầu của từng giốg lúa, từng vụ mùa và bảo đảm khả năng tái tạo độ màu mỡ của đất. Lực lượng giới trẻ trong nông nghiệp ngày càng đông đảo và đã mạnh dạn đưa những thành tựu của tiến bộ khoa học kỹ thuật canh nông vào ứng dụng, linh hoạt phối hợp với các kinh nghiệm của các bậc lão thành để có phương hướng và kỹ thuật canh tác thích hợp nhằm bảo vệ và phòng chóng hữu hiệu mức tác hại của thiên tai, thời tiết và sâu rầy.

  • Những hộ nông nghiệp nói trên trong khoảng thời gian chờ đợi hay chuyển tiếp giữa các vụ mùa cũng không tự cho phép mình được nhàn rỗi. Hầu hết họ lại xử dụng một nghề tay trái để nhất thời tham dự vào các ngành hoạt động kinh tế khác để tăng thu nhập cho gia đình.
Khoảng 92 hộ còn lại của làng đã hình thành một mạng lưới sinh hoạt khác tập trung qua 4 lãnh vực: khu vực nhà nước, tiểu thủ công nghiệp, thương mãi, và dịch vụ cung ứng. Trong khu vực nhà nước, hiện nay có khoảng 29 người phục vụ ở các ngành y tế (3 bác sĩ, 1 nữ hộ sinh, 2 tá viên điều dưỡng)), ngành giáo dục gồm (17 giáo chức cho 3 cấp 1, 2, 3), và 6 người ở các ngành khác (thiết kế xây dựng, tài chánh, hành chánh sự nghiệp), khu vực tiểu thủ công nghiệp có các ngành nghề như mộc, nề, chạm, cẩn xa cừ, may mặc, sửa chữa dụng cụ điện và điện tử, sản xuất nấm rơm. Khu vực thương mãi chỉ gồm buôn bán lẻ ở các chợ những mặt hàng như thực phẩm tươi sống, vải vóc, đồ gia dụng, tạp hóa, gia vị… Dịch vụ cung ứng như cắt tóc, đạp xích lô, xe thồ, làm công theo thời vụ…

Về công nghiệp: Tuy hiện nay làng không sản xuất được một mặt hàng nào nhưng trong quá khứ làng đã có được một sản phẩm nổi tiếng khắp miền Trung. Đó là bột La Khê. Sản phẩm này đã một thời vang danh mà đến nay vẫn còn được truyền tụng trong dân gian và lưu lại trong kí ức mọi người dù đã hơn 40 năm không xuất hiện trên thị trường. Bột La Khê không biết ra đời từ lúc nào nhưng đến năm 1955 thì chấm dứt sản xuất. Nguyên nhân có thể là không cạnh tranh được về giá thành với một loại bột miền Nam ra tràn ngập thị trường lúc đó cho dù phẩm chất của nó không đặc biệt như bột La Khê. Các công đoạn sản xuất bột La Khê có tính cách rất thủ công. Trước hết, gạo loại tốt được ngâm một đêm trong nước sạch, sau đó vớt ra để ráo nước, đâm nhỏ và rây bằng vải thưa. Làm như vậy cho đến khi số gạo đã biến hết thành bột. Cho bột vào lu nước lạnh, đánh mạnh thật đều tay làm cho bột tan đều vào nước, đến khi bột tụ lại. Lớp bột nằm trên cùng là bột loại 1. Lớp này được chuyển sang một lu khác và đánh thêm một lần nữa với nước giã từ cây lá nhớt cho đến khi bột lắng xuống. Đó là bột lọc.
Lớp bột ở giữa là bột loại 2 thường dùng để bọc trắng bên ngoài các loại kẹo.
Lớp bột cuối cùng là bột loại 3, là loại bột to, xấu, và thường dùng làm thực phẩm cho gia súc.
Đối với loại bột lọc còn có thêm một vài công đoạn tiếp theo là: bột lọc được múc ra để trên rổ có lót vải, sau khi khô nước sẽ được gói lại bằng chính miếng vải đó thành một khối vuông, phủ tro, trấu khô và sạch lên trên để ủ trong một đêm. Vải được tháo ra, khối bột này được bẻ thành 4 miếng, sấy trên bếp than hồng. Thời gian sấy một ngày, khi bột đã khô hẳn, cạo bỏ những chỗ có vàng cháy, cục bột này bẻ ra sẽ có 2 phần, phần bột nứt ra vỡ thành từng khến có hình hạng như những tép bưởi, đó là bột kết tinh thường để làm bánh, mè xửng, chè… Phần nhụy ở giữa là bột lọc loại cao cấp thường dành cho các gia đình khá giả xử dụng.
Có hai sự kiện mà mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa thể giải thích được. Thứ nhất là làng La Khê có 4 xóm, trong đó xóm Rào là một khu vực ở cách biệt hoàn toàn với 3 xóm kia lại không bao giờ làm được bột cho dù tay nghề, nhân công và nguyên vật liệu được cung cấp từ 3 xóm kia. Sự kiện thứ hai là trong khoảng từ 1948 tới 1953 đã nhiều lần một đồng hương của làng cũng đã cố gắng đưa nguyên vật liệu và thợ làm bột từ làng lên để sản xuất tại Mang Cá, nhưng vẫn không thành công.

Sau năm 1975, trong nước muốn khôi phục lại sản phẩm truyền thống này, một số hộ gia đình đã cố gắng thành lập tổ hợp sản xuất bột nhưng vì nhiều trở ngại khác nhau đã không thể tiến hành thành tựu được. Dẫu với nguyên nhân nào đi nữa, sự thất truyền một nghề đã có từ lâu đời như vậy, sự mai một của một sản phẩm độc đáo như vậy vẫn là một điều nuối tiếc không nguôi và là nỗi ray rức thầm lặng của mỗi người dân làng tôi.

VỀ XÃ HỘI CÔNG ÍCH

Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, dân làng đã đồng tâm hiệp lực thực hiện được hai công trình quan trọng không những đem lại tiện ích cho từng người dân, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung và bộ mặt toàn cảnh của làng. Đó là công trình đưa mạng lưới điện năng vào làng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hệ thống chiếu sáng và cho nhu cầu giải trí, thông tin. Công trình thứ hai là thực hiện hệ thống đường đúc bê tông chạy quanh làng và các lối xóm đem lại sự thoải mái, thuận lợi trong nhu cầu vận chuyển và đi lại.

Bằng vào sự cố gắng vươn lên của từng gia đình, rất nhiều căn nhà xụp đã được xây dựng lại khang trang, rất nhiều cảnh đói nghèo khó trước đây đã trở nên dễ chịu, hiện nay 95% hộ gia đình trong làng đã có phương tiện giải trí bằng T.V màu.

Được kế thừa và nuôi dưỡng bởi tinh thần xã hội hóa đa dạng, La Khê là hình ảnh rõ nét của một cộng đồng luôn coi trọng tình làng nghĩa xóm, luôn giúp đỡ hỗ trợ nhau trong mộc mạc chân tình. Làng tôi như một đại gia đình mà niềm vui hay nỗi buồn đã vượt lên mọi giới hạn cục bộ của cá nhân và tộc họ, ở đó ấm áp giao thoa những tình cảm không đố kỵ và nồng nàn những ràng buộc thâm sâu.

Dẫu còn khá nhiều mặt hạn chế, nhiều trở ngại khách quan và chủ quan, cũng như nhiều vấn đề cần phải được cải thiện trong lãnh vực giáo dục (như nạn thất học của người lớn tuổi), lãnh vực y tế (như mạng lưới y tế dân lập phục vụ cho nhu cầu y tế thường thức căn bản), văn hóa (như sinh hoạt văn nghệ và thể thao chưa được tổ chức có hệ thống), lãnh vực công ích (như hệ thống đưa nước từ thành phố vào làng cần được nghiên cứu và đầu tư thực hiện), lãnh vực kinh tế (như nhu cầu giúp vốn cho người nghèo buôn bán), nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng làng tôi đã từng bước hội đủ những tiền đề cơ bản cho sự phát triển của một đơn vị hành chánh kinh tế. Những tiền đề đó là:
  • Thành phần kinh tế đa dạng

  • Chất xám được đầu tư, tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vun bồi.
Tấm lòng tha thiết hướng về quê cha đất tổ của mọi con dân trong và ngoài làng.
Và như thế, chúng ta có thể kỳ vọng được rằng trong một tiến trình không xa. La Khê làng tôi sẽ bắt kịp được những đơn vị điển hình tiên tiến khác của tỉnh Thừa Thiên Huế.
          Trong nỗi nhớ lặng thầm tôi vẫn gọi
          Tiếng La Khê diụ ngọt của làng quê
          Mây viễn xứ nhắn dùm tôi với nhé
          Buổi tao phùng chắc sẽ ướt mi thôi

Cung Trọng Bảo