Phan Tế Mỹ - Họ Phan ở La Khê

(Trích gia phả họ Phan)

Mọi người đều có tổ tiên, như cây có gốc, như nước có nguồn.

Từ ngày thủy tổ họ Phan đến con cháu hiện nay đã trãi qua bao nhiêu đời thì không ai biết rõ, nhưng theo tài liệu sưu tầm được từ nhiều nơi thì chúng ta chỉ biết được từ đời ngài Phan Hách trở về sau mà thôi nên chúng ta xem như ngài Phan Hách là vị Khởi tổ.



Các chi tiết tìm thấy được tóm lược như sau:

Vào năm 1247 ở miền Bắc nổi giặc nên dân chúng phải chạy lánh nạn vào phìa Nam. Trong số người lánh nạn ấy có hai ông bà phát xuất từ ấp Đơn Hộ, xã Đơn chế, huyện Hà Ba, Phủ Hà Xuyên, tỉnh Thanh Hóa. Dọc Đường đi, người chồng rủi bị nạn chết, bà vợ lúc bấy giờ đang mang thai phải lo chôn cất chồng rồi lên đường đi tiếp. Tên tuổi của hai ông bà, cũng như ngày tháng chết và nơi chôn người chồng đều không được ghi chép lại.

Khi đến xã Quyết Viết, huyện La Sơ, (nay là xã Đức Yên, huyện Đức Thọ) tỉnh Hà Tỉnh thì bà ấy sinh được một bé trai đặt tên là Phan Hách.

Ngài Hách lớn lên học hành thông minh được vua Trần Nhân Tôn vời vào cung dạy con và làm việc tại triều nội. Lúc tuổi già ngài trở về chỗ ở cũ và từ trần năm 1319, hưởng thọ 73 tuổi.

Bà vợ của ngài nhủ danh Cao Thị Tân sinh được sáu trai và hai gái nhưng bốn trai chết lúc còn nhỏ tuổi. Hai trai còn lại tên là Phan Hắc và Phan Nhiên. Tuần tự tiếp diễn đến đời thứ tám thì các con cháu chia thành sáu phái: hai phái mệnh danh “Giáp và Ất” thuộc dòng ngài Hắc, bốn phái mệnh danh “Tý-Sửu- Dần-Mão” thuộc dòng ngài Nhiên. sáu ngài đứng đầu các phái ấy là “Phúc-Hiếu, Phúc-Dư, Vũ-Bổn, Dư-Khánh, Phúc-Cẩn và Khắc-Hỷ” đều được tôn là Sơ tổ.

Đến đời thứ 13, năm Thuận Thiên thứ nhất triều vua Lê Thái Tổ (năm 1428- Mậu Thân) ngài Phan Phu Tiên, là con trai trưởng của ngài Phan Quang Minh, được bổ làm quan Thái Sử tại Thăng Long. Vào năm Thái Hòa thứ nhất triều vua Lê Nhân Tôn (năm 1443- Quí Hợi), ngài được triệu vào nội cung sung chức Thái sư phụ đạo tự quân Lê Nhân Tôn. Đến năm 1453(Quí Dậu) ngài soạn bộ “Đại Việt Sử Ký” gồm 10 cuốn, từ đời vua Trần Thái Tôn đến đời vua Lê Nhân Tôn.

Cũng trong đời thứ 13, vào năm Triệu Bình thứ năm triều vua Lê Thái Tôn(năm 1438- Mậu Ngọ), ba người em trai của ngài Phan Phú Tiên là Phan Bao, Phan Ngư và Phan Nổi, cùng con trai trưởng của ngài Bao là Phan Nhân U, cùng di cư vào Hoan Châu khai hoang lập ấp tại trấn Thuận Hóa, khai sáng ba dòng họ Phan đầu tiên tại trấn Ô Rí ( đất cũ của Chiêm Thành).

Về sau tất cả bốn vị này đếu đuợc truy phong tước vị “tiền khai canh” như sau:

1- Ngài Phan viết Bao : khai canh làng An Nông, tục gọi làng Nong, thuộc huyện Phú Lộc, Tỉnh thừa Thiên, tạ thế ngày hai tháng giêng âm lịch, mộ tại Rú Cấm gần Khe Trai, làng An Nông.

2- Ngài Phan viết Ngư: khai canh làng Phú Bài, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, tạ thế ngày 23 tháng tư âm lịch , mộ xứ Cồn Sim, thôn 8 làng Phú Bài.

3- Ngài Phan viết Nổi: khai canh làng Hà Trung, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, tạ thế ngày 29 tháng sáu âm lịch, nguyên táng tại Hà Trung (Nghi Giang) và đến năm 1700 được cải táng về xã Nghi Giang, xã Cây Sơn-Cây Lâm, phường Đơn Chế.

4- Ngài Phan viết Nhân U, khai canh làng Lương Viện, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, tạ thế ngày 30 tháng 9 âm lịch, mộ tại xứ Bạch Sa, làng Lương Viện.

Trong thời Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tôn(1470-1497), ngài Phan Niêm cùng hai con là Phan Đường và Phan Lãng vào đánh Chiêm Thành, rồi về sau:

- Ngài Phan Đường được truy phong khai canh làng Diên Khánh, tỉnh Quảng Trị

- Ngài Phan Lãng được truy phong khai canh làng Hồng Ân, sau đổi là Hồng Phúc và nay là Thanh Phước, tỉnh Thừa Thiên.

Vào năm Chính Tri thứ nhất triều vua Lê Anh Tôn (năm 1558 - Mậu Ngọ), người con thứ hai của ngài Phan Văn Trình (tục gọi là Trinh) là tiến sĩ Phan Văn Tề theo phò chúa Tiên “Nguyễn Hoàng” vào Thuận Hóa, và sau được truy phong làng Mai Vĩnh, tỉnh Thừa Thiên.

_________________________

Họ Phan ở thôn La Khê hiện nay chỉ là một nhánh, trực thuộc họ Phan tại thôn Thanh Lương (xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) mà ngài tổ là Phan Văn Lộc. Ngài Lộc là con thứ ba của ngài Phan Viết Nghiêu là tổ họ Phan làng Phù Bài.

Kể từ vị khởi tổ là ngài Phan Hách trở xuống thì ngải Phan Văn Lộc thuộc về đời thứ mười sáu (xin xem bảng tộc phả lập riêng).

Nhà thờ chính gốc của họ Phan tọa lạc tại ấp Mai Hồ, xã Tùng Anh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh, và dân địa phương quen gọi là nhà thờ họ Phan Tùng Mai.

Lăng mộ của ngài Phan Hách ở tại thôn Yên Liên, xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh. Lăng được xây từ tháng 12 năm 1991 đến tháng 02 năm 1992.

Ngày giỗ tổ hàng năm là 19 tháng giêng âm lịch.

QUÊ TÔI

Quê tôi, tên gọi hiện nay là “thôn La Khê” thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những địa danh trên đây đã trải qua nhiều thay đổi như sau:

1- Đầu tiên tên gọi là “làng La Khê” thuộc tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

2- Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất hai miền nam bắc vào năm 1975, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị , Thừa Thiên được sát nhập chung thành một tỉnh mới với tên gọi Bình Trị Thiên. Và trong dịp ấy , ba huyện ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên cũ là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà được nhập lại thành một huyện mới tên là Hương Điền. Do đó, lúc bấy giờ thôn La Khê trực thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên.

3- Cũng trong thời gian ấy, có một dạo chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên tách rời xã Hương Vinh ra khỏi huyện Hương Điền để nhập vào thành phố Huế, nên thôn La Khê lại trực thuộc xã Hương Vinh, thành phố Huế, tỉnh Bỉnh Trị Thiên.

4- Đến năm 1989 chính quyền trung ương trở lại chia tỉnh Bình Trị Thiên làm ba như cũ với các tên: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Cùng trong dịp ấy huyện Hương Điền được chia lại làm ba với các tên gọi cũ là : Phong Điền- Quảng Điền – Hương Trà. Rồi từ đó quê tôi có tên gọi như đã ghi ở đoạn đầu của bài này.

Làng La Khê là một vùng thôn dã ở về phía bắc cố đô Huế, cách tường hào của thành nội dưới một cây số đường chim bay. Đa số dân số theo nông nghiệp .

Một đặc điểm từ xa xưa là làng này có nghề làm bột gạo thủ công mà người quanh vùng thường gọi là “ bột La Khê ”, phẩm chất rất tốt.

Muốn sản xuất bột thì khâu đầu tiên là lấy gạo trắng vo chà sạch sẽ, đợi vài giờ sau đem giã thật nhuyễn với cối chày đạp bằng gổ. Kế rây lấy bột hòa vào nước lả để gạn bỏ bả, nước bột sẽ đóng đông lại thành từng khối tục rồi được đem sấy khô.

Điểm đặc biệt nhận thấy là khi khối bột khô được tách ra thì bên trong có toàn những khối dài như tép bưởi ghép chung lại, trông rất đẹp mắt.

Người xứ Huế thường dùng bột này để biến chế các món ăn, pha trộng với đường để nấu kẹo mẽ xửng (một đặc sản của xứ Huế) và làm các loại bánh gói rất hấp dẫn thường gọi là bánh lá hay bánh nậm.

Sau khi miền Nam được giải phóng, chính quyền tỉnh có khuyến khích dân chúng thôn La Khê nên phục hồi ngành tiểu thủ công nghệ nói trên, nhưng không thể thực hiện được, vì sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ do giá thành quá cao, so sánh với loại bột gạo sản xuất tại tỉnh Sađéc mà phẩm chất không thua kém bột La Khê nhiều.

Phan Tế Mỹ(Trích gia phả họ Phan)