Phạm Lê Kha - Thư Từ Làng Quê (Thư Cuối Năm)

Anh chị X. mến!

Mùa giông bão đi qua, Huế te tua ảm đạm.

Ngàn Thương đã viết:

Hình như Huế đã vào đông
Nghe non ngập bấc nghe sông ngập phùn
Lạnh xưa len lỏi vào hồn
Đang bình minh ngỡ hoàng hôn trở về
Sợi buồn rớt xuống đường quê
Đậu trên từng sợi tóc thề em bay



Mưa Huế làm cho người u hoài, làm cho nhiều người sợ, như Khuê Việt Trường vẫn sợ:
Ta ám ảnh những cơn mưa Huế
Từ ngày chạm vạt áo em
Mưa lặng lẽ rơi trên Hoàng Thành rêu xám
Đã tự bao giờ làm ướt cả trăm năm


Em vẫn thường có những cơn mưa như thế
Mắt không nhìn, vòng tay lại, mím môi
Cả đời ta ngạo mạn vung trời
Mà vẫn sợ những cơn mưa như thế.



Nhưng năm nay Ông Trời lại đổi thay: từ giữa tháng Chạp đến những ngày cận Tết thời tiết rất tốt: có hôm Trời nóng phừng phực, thường thì ấm áp dễ chịu.

Lệ xưa của Ông Trời thì: “Hai mươi mần tốt, hăm mốt xỏ tai, hăm hai đeo bông, hăm ba đưa về. Đưa Ông Táo rồi mà Ông không mưa thì cho bây chặt đầu tau”.

Nhưng Ông không mưa thật mà cũng chẳng có mụ mô bị mất đầu... chỉ có mấy bà buôn áo ấm mới buồn thỉu buồn thiu.

Nhớ khoảng gần 60 năm về trước, học trò trường làng lớp năm lớp tư - cứ sau ngày Ông Táo về Trời - được chép và học thuộc lòng bài:
Năm cùng, Tết đến sau lưng
Sửa sang nhà cửa, tưng bừng khắp nơi
Rộn ràng dán đối, quét vôi
Bình hoa trên áng, cửa ngoài cây nêu.

Sáng sớm mấy bữa nay, khi sương mù tan, Mặt Trời hiện dần rõ nét rất đẹp. Lúa sạ kéo lá xanh mơn mởn. Chim én không một con bay lượn có lẽ vì chúng sợ hãi dòng xe cộ ngày đêm nối đuôi chạy hối hả trên con đường mới cắt dọc ruộng Đạo trước đường Đồng. Không có chim én nhưng chắc chắn ngày mai Tết đến, Xuân về.

Nhưng Tết đã đến từ mấy hôm trước đò Tiên Nộn qua sông đầy người đủ loại hoa tươi và cả hoa giấy Thành Tiên để Mẹ, để chị chưng trang Bà, thờ Am Cô.

Tết đã đến bởi mấy o tiểu thương bán thịt chợ Xép, chợ Đông Ba, chợ Phi Pha, chợ An Cựu đã lịch kịch thớt dao cân giỏ ra đi từ hai giờ sáng và về nhà gần nửa đêm.

Tết đã đến vì sinh viên, công chức, bà con ở Buôn Mê Thuột, ở Đà Lạt, ở Sài Gòn lần lượt về làng trên các chuyến tàu lửa Nam Bắc nghẹt cứng người như Tàu Di Tản.

Chợ Tết Bao Vinh với hoa giấy làng Thanh Tiên (Ảnh: Hồ Lê Hiếu)

Tết đã về vì hai lề đường quán xá dọc Bao Vinh đầy ắp hoa giả hoa thật, bánh trái đủ màu, đủ xứ ai cũng muốn chồm ra đường. Đường thì hẹp xe thì đông: xe đạp, honda, xích lô, taxi... người chen qua đường vô tội vạ nên kẹt xe, kẹt người, tiếng còi xe, tiếng rủa thầm.... cái tết thúc sau lưng nên chẳng ai nhường nhịn ai....

Tết đã về nên Anh, Chú, Cháu đi chợ hoa Ngọ Môn dạo vài vòng trước dãy cây cảnh trăm triệu, chục triệu... rồi thỉnh vài chậu Cúc đại đóa, hoa hướng dương, hoặc hồng hoặc quật cho có với làng với xóm ba ngày tết.

Chợ Hoa ở Ngọ Môn (Ảnh: Hồ Lê Hiếu)

Trong cái xô bồ quay cuồng hôm nay bỗng mơ hồ nhớ lại chợ Bao Vinh - chợ quê ngày Tết của những năm tháng xa xưa: Ta mê say với những con gà bằng đất nung thổi nghe tí te, thích những con heo con bò bằng bột nhuộm màu tươi thắm - chị mua về chơi ba ngày tết rồi tụm năm tụ ba góc bếp nướng ăn... Suốt năm đi chân đất nên ngày tết đôi bàn chân to bè lễ phép ngượng ngùng trên đôi guốc mộc: guốc không sơn màu của cha, guốc trơn của mẹ của tụi con trai, guốc điểm li ti bông của tụi con gái. Chiều 30 mà đã lén diện áo mới, người đứa nào cũng thơm mùi vải, thua sạch bài vụ, cua bầu... Mạ dặn sáng mùng một đứa mô không chịu đi guốc là mạ không cho tiền mừng tuổi, trước khi ra đường là tìm khăn quệt cho mũi khỏi chảy lò thò mau lấm lem tay áo mới.

Hoàng Lộc hào hứng tự hỏi:
Có phải xuân về em đi guốc mộc
Hồn đơn sơ nở một đóa mai vàng.

Guốc mộc một thời đã xa, mai vàng còn đó nhưng những thằng Đực, thằng Thừa, con Vện, con Tí ngày xưa giờ đã thành ông nội, bà ngoại... có đứa đã về đất có đứa đã bỏ chợ quê bỏ lũy tre làng biệt mù tăm cá.

Lớn lên dần qua bao cái tết để hiểu Tết là dịp đoàn tụ. Giao thừa. Sau khi đặt bàn cúng vái Trời Đất, thời khắc thiêng liêng “Tống cựu nghinh tân” khi tiếng pháo bông nổ bùm bụp trên màn hình TV lòng tự nhiên bồi hồi khó tả. Nhớ những năm tháng nổi trôi, nhớ bao cái tết ở quê người, nhớ cái không khí gia đình có mạ có anh có chị có em... những háo hức của tuổi trẻ dần thay thế bởi những ngậm ngùi.

Thanh Xuân đã viết thư cho Mẹ:
“Tết này là cái tết đầu tiên con không có mặt bên cạnh mẹ đêm giao thừa, bởi Tết này con đã như mẹ; tấc bậc chuẩn bị cái Tết riêng cho mái ấm nhỏ của mình. Mẹ biết tết này con phải tự mình đi chợ mua hoa quả, trái cây, làm các món ăn để đặt trên bàn thờ Ông Táo, bàn thờ Tổ Tiên...”

Hẳn người mẹ thoáng buồn, nhưng cái buồn của hạnh phúc chia xa.

Anh chị X. mến!

Sau những sắc màu thắm đậm hoa hòe của ngày Tết, dưới những lóe sáng bập bùng của pháo bông thành phố... ở làng quê xa vẫn còn đó những phận người, những mảnh đời khốn khó cơ cực bởi hoạn nạn, ốm đau mà ở đâu, thời nào cũng có.

Những gia đình thật thà chơn chất nghèo khổ ở Làng ta thường lại cố gắng giữ gìn nhiều hơn chuyện xưa bày nay làm. Cuối năm làm chi thì làm, ưu tiên cho bàn thờ Ôn Mệ. Thằng Cu ra Địa Linh mua bộ bài tới để trên bàn thờ cho Mệ nhớ con ầm, con đấu, con rún, con quăng. Mua gói Cẩm Lệ bồ đề trên ngã giữa để cúng Ôn ba ngày tết... mâm cao cổ đầy có mô... chỉ một tấm lòng.

Ngày nay, mọi thứ chợ đã có sẵn: lạt gian từng bó đã chẻ rất đều, lá chuối đã lau sạch, khổ thịt heo nhiều mỡ đã bán đầy chợ thêm mâm nhỏ đậu xanh nấu nhừ đánh nhuyển trộn hành hương và thêm thúng nếp vút sẵn. Trải chiếu mẹ lường từng chén nếp ướt đổ cho ba gói, cu Tí cột, cu Anh qua O coi rảnh thùng thì mượn về liền để tối nấu... Thế rồi mấy đưa cũng “trông bánh chưng chờ Trời sáng đỏ hây hây những đôi má đào...”. Nhưng phải có tiền. “Gạo tháng giêng tiền tháng Chạp” mà anh.

Từ Làng quê khốn khó mà lớn lên, rồi từ làng quê mà ra đi. Các anh, các chị, các cháu là đồng hương La Khê ở Hoa Kỳ và ở Sài Gòn thường xuyên quan tâm chia sẻ những nhọc nhằn hiện nay của bà con ở quê nhà. Năm nào cũng thế, Tết gần đến là bà con ở Làng bất ngờ nhận được quà... năm nay quà tết được nhiều hơn, mang niềm vui, dây thân ái đến nhiều gia đình hơn.

Anh chị X.mến!

Ở quê nhà, chúng em cũng đã từng biết qua báo chí địa phương rằng Các anh các chị - những người một thời đã bị trách: “Sao đành bỏ quê hương, sao đành bỏ phố phường... bỏ ruộng vườn muôn đời yêu dấu.”... để “đem thân trơn tới xứ lạ quê người...” với hành trang là cái trí, cái lực, cái tâm Họ đã sớm trở thành thế hệ I di dân. Với lợi tức thấp ban đầu, với nỗ lực kiên trì Họ đã kiến tạo cho mình cho gia đình một cuộc sống mới với ba bên bốn bề kẻ lạ người dưng. Với Đạo Nhân căn bản thời đi học và lúc trưởng thành ở quê nhà, Họ học thêm được một chữ mới rất hay ở cộng đồng mới là Sharing... Sharing bên nớ rồi Sharing tới bên ni. Họ đã un đúc thế hệ trẻ YUPEE, thế hệ này đã đạt được những thành quả rực rỡ của người gốc Việt trên nhiều lĩnh vực làm cho Cha Anh tự hào và bên ni chúng em mừng thầm. Đáng mừng hơn nữa là thế hệ trẻ đã được thế hệ I chăm sóc dìu dắt cặn kẻ nề nếp sống, để một mặt sớm hòa nhập cộng đồng mới đa sắc dân, mặt khác giữ trọn tình quê, để giữ trọn tình mẹ nghĩa cha nghĩ về cố hương nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có tình làng có nhà thờ Họ, nhà thờ Nhánh, nơi còn mồ mả Tổ Tiên, nơi còn tình làng nghĩa xóm... nên trong muôn vàn khó khăn, cùng cha anh, thế hệ trẻ làng mình đã và đang “Sharing”... cho những gia đình không may gặp hoạn nạn, nghèo túng ba ngày Tết bớt vẻ quạnh hiu... cho hôm nay không còn cảnh:
“Có một người nghèo không biết tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn
Có một trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nỗi tiếng cười vang”...


...                          Chế Lan Viên

Anh chị X. mến!

Khi em viết đến dòng này là sáng 29 tháng Chạp... bài viết bị ngắt quãng nhiều lần vì điện thoại, vì xóm ngoài có người đang “Thập Tử nhất sinh”. Chú Kh. năm nay 50 tuổi, bị ung thư phổi giai đoạn cuối gia đình quá khó khăn. Do làm thuê cật lực để lo cho con gái anh, cháu Tr. là học sinh giỏi 10 năm liên tục. Thím Kh. thì đau ốm thất thường nên chú Kh. vắt kiệt sức mình cuối năm dương lịch nhập viện rồi Bệnh viên cho về. Mới thấy đi làm thợ hồ đó mà đã nghe đi Bệnh viện rồi lại nghe về chờ chết. Gia đình đứng trước ngõ cụt. Đối với cháu Tr. cánh cửa vào Đại học khó khăn đã mở nhưng giờ có nguy cơ dẫn cháu lên hàng thịt chợ Đông Ba phụ với thím nớ, O tê... “học chi nữa, tiền mô mà đóng cho trường, tiền mô mà ăn... anh hắn ra giêng nhập ngũ... mạ hắn khi nóng khi lạnh khi tưng tưng...”

Rứa rồi qua anh T. chị MSM - một người quá đổi xa lạ với người làng này đã động lòng trắc ẩn. Nghĩa cử của chị đã làm nhiều người rưng rưng khi em cần tay Kh. trao cho chú ấy niềm tin tốt lành. Sáng nay, trong khi bà con xóm giềng hồi hộp sợ chú Kh. ra đi ngay trong ngày giáp tết... chú lập đi lập lại câu cả tháng nay: “Nhờ anh chuyển lời của em đến anh T. đến chị MSM rằng em có chết cũng đã yên tâm...”

Còn chị L. người làng mình ở Bình Điền, gia đình cứ hỏi chị MSM là người ở mô bên mình cho anh chị và các cháu cám ơn... Em cũng chịu thôi. Nhân đây nhờ anh chị chuyển những lời cuối cùng của người sắp vĩnh biệt cám ơn những ân nhân ...

Em cũng nhân đây xin trân trọng cảm ơn tấm lòng của những con dân La Khê, của anh L., anh V. gốc Thạc Lại những bà con qua thêm cái tết nữa nơi đất khách quê người đã luôn hướng về và để tâm đến những mảnh đời bất hạnh ở quê nhà.

Anh chị X. mến!

Đông qua, tết tới, Xuân về... Ta mừng nhau có thêm một tuổi, ta vui vì đã sống được một năm qua để rồi ta có thêm một tai bị nặng, một thủy tinh thể mờ dần và:
Chúng ta sẽ già khú đế
Ăn rồi lảm nhảm chưa ăn
Lưng còng mắt đục hết răng
Cô đơn ngồi nhai dĩ vãng.

Ta nhai dĩ vãng vì ta dù mất hết nhưng vẫn còn nguyên vẹn quá khứ ngọt ngào tình người với hồn thơ. Tình người và hồn thơ luôn luôn trẻ trong thân ta già. Thân ta già vì những nghiệt ngã của quá khứ, những đau thương của phận người. Cứ nghĩ như Tôn Nữ Hỷ Khương.
Nhớ mới ngày nào tuổi mộng mơ
Tháng năm vùn vụt có ai ngờ
Sắc xuân chừng ngã màu sương tuyết
Còn mối chân tình buộc với thơ.

Cú điện thoại mới nhất của chị H. “Chú ơi, con B. mổ khuya nay rồi, cháu bé kháu lắm... cha nó chạy đôn chạy đáo... nhiều người chờ mổ lắm... rứa là thoát khỏi tuổi Dần, O hắn khốn khổ vì tuổi dần... Ừ Kỷ Sửu,.. Ừ... thôi hí. 29 Tết rồi không lo răng được... thôi hí”.

Anh chị thấy không: Sanh, Lão, Bệnh, Tử.... làm cho sắc xuân sớm ngã màu. Cứ tưởng tượng mới chờ đợi Tàu về sân ga, mới dành nhau tách xách tay mang đoàn tụ Tết nhất ... rồi trong tụ đã có mầm tán... qua mùng 6 mùng 7 tháng Giêng là con tàu “đưa ta về lại đưa ta đi”. Có người nói Huế chỉ để đi mà nhớ. Nhưng đi thì sao tránh khỏi bùi ngùi, bởi:
Huế buồn chi, Huế không vui
Huế O ở lại Huế tui đoạn đành
O đau sương khói một mình
Tui đi ray rứt Nội Thành tái tê
Huế buồn chi... tội rứa thê !


Hoàng Xuân Sơn (Canada)

Tội rứa thê ! đó anh nờ.

Qua khung cửa sổ mặt trời đỏ rất đẹp. Sáng 29 biết bao sản phụ chờ nôn nóng kịp mổ cho con ra đời sớm chừng nào hay chừng đó... Sáng 29 Tết Làng ta rộn rã tiếng cười, tiếng xe honda chạy vội.... Tiếng đồng hồ trên tường gõ nhịp đều đều....

Thân ái chào Anh Chị, Chúc Anh Chị cái tết an vui, năm mới trẻ và khỏe như Chúa Sơn Lâm.

Phạm Lê Kha