Phạm Lê Kha - Hói Hàng Tổng

Đường mặt tiền của Làng chạy uốn mình theo con hói Hàng Tổng. Từ cống Bao Vinh, đi dọc hói hết địa phận làng Địa Linh là làng La Khê, khởi đầu từ đám vườn rộng nhà thờ họ Cung đến cống Cầu Chùa giáp làng Thế Lại Hạ. Mặt tiền ngó ra đường có nhà thờ họ Cung, Chùa La Khê, nhà thờ họ Lê, Đình Làng, Trường Tiểu học Hương Vinh, Miếu Âm hồn, và Am xóm Đình.

Hói Hàng Tổng đầu làng (Ảnh: Tiểu Thừa)



Con đường, con hói không những là mạch sống bao đời của dân quê mà là nơi chốn không-thể-nào-quên của thế hệ chúng tôi. Bốn xóm lớn nhỏ đổ xuống đường Hàng Tổng là có bốn cái bến. Sáng sớm cho đến tối mò tối mịt vẫn có bà con lui cui, cặm cụi ở bến với quang gánh chờ đợi trên bờ. Nước sinh hoạt O, Chị gánh lên đổ vào lu quậy phèn chua lóng cặn để nhà dùng: vo gạo, rửa rau, giặt áo quần, làm cá, làm gà, làm vịt, rửa tay chân, mặt mũi… Tối hù còn có người tay che cây đèn dầu xuống bến vo gạo. Trời hạn, nóng quá tắm xong lên phản đánh một giấc, khuya thức thấy có chi ươn ướt mềm mềm sau lưng, té cha mụ nội con đĩa mén, tý nữa nó chui vô lộ tai, may phước... máu chảy khi mô hết máu độc trong người thì thôi sợ cái khỉ khô chi mà sợ. Sáng dậy vệ sinh răng miệng chịu khó lội ra xa một tí. Chùm hum vốc nước, trước khi móc ghèn tợp một ngụm, ngửa mặt lên trời, súc vùng vục trong họng, nhổ toẹt một búng nước ra xa, phần còn lại xỏ ngón trỏ vô đánh răng. Vừa lên từng bậc bến vừa chưởi mả cha đứa mô ngoài Bao Vinh sáng sớm ỉa cục cứt to bự chát tấp vô rau muống O Thỏng. Rồi vô tư hát hoặc huýt sáo bản nhạc ưa thích... Khen tháng ni rồi mà nước chưa có vị mặn.

Hói Hàng Tổng giữa làng (Ảnh: Tiểu Thừa)

Nước sáng chảy từ sông Bao Vinh vào, chiều bưa sức mãn hạn thì nước lừ đừ mệt mỏi chảy ra. Bến nước đã từng chứng kiến những cặp hẹn hò khuya khoắt mà ai đó cứ hù dọa rằng …ma. Những con ma ngày nào giờ đã có cháu nội cháu ngoại. Bến nước là nơi thu thập rồi phát đi những thông tin nóng bỏng trong làng ngoài xã. Chuyện hẹn hò yêu đương vụng trộm của các O các chú sau cây vông đồng, chuyện ghen tuông của các dì, chuyện ăn trộm mít của tụi học trò ôn thi bị Ôn Bếp bắt được, chuyện Thầy hiệu trưởng cho điều tra coi đứa nào trưa hôm qua đương tắm dưới bến thấy các cô ăn mặc lạ đi trên đường mà cả gan vừa bắt đĩa lên dọa vừa hát: “Ba Cô trong Nội mới ra, đeo vòng đeo xuyến tổ cha cô giàu…” Lớp ba chúng tôi có thằng Đực, cứ bạ có chuyện chi bất bằng là nó đều đi thưa Thầy. Nó là gián điệp hạng nhất, nó được chú Cai gọi là kẻ “phản Trụ đầu Châu, ăn cơm của Phật đút râu thầy chùa.“ Ăn trộm thơm cho nó ăn nó mét lại bị đánh đòn cả lũ. Nó mét “Thưa Thầy chiều qua con tắm dưới bến Đình mà thằng Dê con mụ Ớt nó thu quần của con nó mược đi học luôn, đồ vô hậu kế đợi, hắn học trên trường Hương Trà. Mạ con nói nhờ Thầy tư văn lên…” Lũ học trò chúng tôi sợ cây roi mây của Thầy, nghe nói cây roi đó do một Bác Thân Hào Nhân Sỹ ở Làng lên có việc trên nguồn về tặng Trường để góp phần ổn định kỷ cương nề nếp xã hội nhỏ bé của thế hệ học trò làng.

Lớn lên thời học trung học Đệ nhị cấp chúng tôi cũng đã có cơ hội nhận đòn roi của Thầy Giám Học. Tuổi nhỏ sợ roi nhưng vẫn ưa nghịch. Dù bị đau nhưng khi thằng bạn hỏi nhỏ một câu rất vô duyên “Mi có đau không?” vẫn yên hùng trả lời “Sức mấy… thấm chi mô.” Dạo đó đến nay nhắc đến quý Thầy là nhớ đến những lần bị ăn cháo lệt nhưng hầu như không đứa nào hề có ý trách hay giận Thầy, mà hình bóng Thầy vẫn ở nơi trang trọng trong tâm hồn những đứa học trò quê như lũ chúng tôi.

Hói Hàng Tổng Làng tôi cũng thu hút nhiều bạn bè trên phố Chủ Nhật về đi dọc hói câu cá rô ở mấy biền rau muống. Mùa mưa lụt ngày xưa, có người lo khi nước cuồn cuộn đổ về tràn hói, ngập nhà, lút đồng.. là lúc các bác hăm hở chuẩn bị đua ghe hói Hàng Tổng. Mùa mưa lụt dạo này nhà vững lầu cao, các chú chuẩn bị ghe ra lăng hốt chuột về lai rai và tán dốc. Có người bị chìm ghe không biết bơi, đồng hội kéo lên tới cồn mồ ướt hơn chuột lột, suýt nữa Làng ta có mục Tin Buồn mùa mưa bão.

Nhớ lại năm học lớp ba, có bài học thuộc lòng Làng Ta: Làng Ta có tre rào, có sông ngòi chuôm ao, có đình chùa hội hè sum họp, có trường học trẻ con ra vào… chúng tôi cứ tưởng bài tả làng mình. Thuở xa xưa nước con hói Hàng Tổng rẽ vào hói cầu Chùa đổ vào tận xóm trung, khi uốn mình chảy ra Cầu Tréo Cự Lớn, Cây Mưng thì Thiên Linh Địa Linh cho dân Làng ngày xưa Lộc Nước làm nên Bột La Khê nức tiếng một thời. Sau này khi chúng tôi được sinh ra, Làng Bột đã đi vào quá khứ, nhưng nhờ có hói Hàng Tổng không cạn không sâu, nhờ có lũ chuồn chuồn tượng dại khờ mà bầy nhóc chúng tôi tập bơi lội được khi đang còn học tiểu học. Lớn lên chút nữa mới được các anh cho theo ra xóm Rào bơi vì “mặt có mụn thì con ma rà trước chùa Bà nó chê.”

Ngày nay chuồn chuồn tượng đã bỏ đi hết, hói Hàng Tổng ngày càng cạn nên con trẻ, thiếu niên ngày nay ít có cơ hội tập bơi lội trên hói trên sông, mười cháu làng mình được hỏi thì hầu như chưa có đứa nào đã từng xuống sông, xuống hói tập bơi. Chúng hăng say bơi trên “online“. Các cháu có thể chìm dưới nước, nhưng các cháu nổi trên mạng.

>
Bến Chùa (Ảnh: Tiểu Thừa)

Gần bến Lội – sau này gọi là bến Chùa – có một Bác chuyên môn dọn sạch bến, Bác có cây cuốc Con Gà đi làm Tô Bô Lục Lộ đâu trên phố, hễ về dựng xe đạp là xuống bến cào quét. Nghe tôi vừa vo gạo vừa đọc bài cũ hồi học lớp Đồng Ấu: Đặng công mừng, mất công lo. Ăn chưa no, lo chưa tới, Ăn cơm mới nói chuyện cũ… Bác vẽ: “sửa lại ri mới hay nì: Đặng không mừng, Mất không lo…” Gần nửa thế kỷ sau, khi đã vào đời, đã được cuộc đời cho đi rồi cuộc đời lấy lại, cuộc đời hất lên, cuộc đời đá xuống, nhìn lại con hói Hàng Tổng mới thấm thía cái hay của bác. Nên cũng do duyên khu vườn có hàng chè tàu đẹp nhất Làng ngày xưa của bác, khu vườn chúng tôi khó khăn lắm mới đột nhập vào được hái trộm trứng cá, sau năm 1965 trở thành ngôi chùa Làng. Bác đã siêu thăng Tịnh Độ mãi mãi Đặng không mừng, mất không lo.

Ngã ba cầu Chùa (Ảnh: Tiểu Thừa)

Ngày nay, mặt mày con hói Hàng Tổng đã lở lói. Con người vội tham đó bỏ đăng, tham lê quên lựu tham trăng quên đèn. Con người đã không còn nhớ thuở hàn vi. Đã quên O ơi bán cốm hai lu. Đã quên bến nước một thời khi tối lửa tắt đèn, khi nắng hạn cháy nhà.  Thân con hói bèo phủ đầy; các bến hẹn ngày xưa nay là nơi tống rác thải của con người vô tình, không còn bậc cấp… vì nhà nhà tường cao cổng kín, nước máy hợp vệ sinh đã có trong vòi. Đòn gánh của chị của mạ, cây roi mây của thầy đã đi về quá khứ. Tất cả đều qua, tất cả đều xóa nhòa, chỉ còn kỹ niệm. Nhưng bèo thối và rác hôi không là kỹ niệm, vì chúng dày đặc quá….

Bè chuối (Ảnh: Hồ Lê Hiếu)

Bơi thuyền ngày lũ (Ảnh: Hồ Lê Hiếu)

Khuya 16 tháng 11 năm 2010, Làng bị ngập lụt, nhưng lụt không lớn. Mọi người trông Ông Trời gắng lụt cao hơn tí nữa để đám bèo rác kia có dịp được tống khứ khỏi con hói Hàng Tổng tràn đầy kỹ niệm của những đứa lạc hậu hoài cổ như tôi.

Ông tha mà Bà chẳng tha, mần cho cái lụt hăm ba tháng mười

Các cụ già Làng tôi đều trông còn 8 hôm nữa là ngày 23 tháng 10. Khi tôi gõ bài này là Quảng Nam mưa lớn, ngoài Bắc có không khí lạnh tăng cường. Năm ni mới có 2 cái lụt bói, mong rằng Ông Trời thương tình trả lại nét duyên xưa cho con Hói Hàng Tổng Làng Tôi. Dọc con hói bèo ơi là bèo, rác ơi là rác! Hãy tưởng tượng đi ngang Đình, ngó qua trường tiểu học, văng vẳng bên tai bài hát Thầy đã dạy ngày xưa:

Anh em ta cùng sát cánh vui cười
Ta gieo bao lời hát xướng khắp nơi
Trời mà u ám lòng ta vẫn tươi
Trời mà trong sáng lòng ta càng vui


mùa lụt 2010
Phạm Lê Kha

  1. gravatar

    # by Đỗ Hữu Phước - lúc 16:03 22 tháng 11, 2010

    Con hoái làng mình thì không thể nào quên được, đặc biệt là sau một lần thoát chết ở đó. Nhớ hồi nhỏ cùng các nhóc khác tập bơi ngay ở bến chùa. Không biết đứa nào có ý kiến hay dùng thân cây chuối sứ tròn vo ôm vào đó để ... tập bơi. Trong một lúc ham vui sơ ý, thân chuối lăn tròn đưa nguyên cả đầu và thân tôi vào giữa lòng con hoái. Khi ngoi lên được thì cũng đã uống nước phù sa đến kành bụng, hết hồn hết vía. Cũng nhờ niềm đam mê với con hoái mà bây giờ cũng có chút tự hào vì nếu lỡ rớt xuống nước thì không bị chìm. Với lại cũng nhờ bụng nước phù sa đó mà cơ thể tôi lại thích nghi với quê nhà đến kỳ lạ. Mỗi lần về thì tha hồ ăn uống thỏa thích mà không gặp rắc rối gì.

    Cám ơn cậu đã viết bài và có nhiều hình ảnh minh họa đầy kỷ niệm.