Tiểu Thừa - Pháo Đài

Theo từ điển tiếng Việt của nhà xuất bản khoa hoc xã hội năm 1977 "Pháo đài là một công sự vững chắc có trang bị trọng pháo để lính đóng mà chống giữ và bảo vệ một vùng đất." Nhưng ở quê tôi, làng La Khê, thì khi nói đến pháo đài là người ta nghĩ ngay đến nơi an nghĩ vĩnh hằng của môt đời người.


Ra Pháo đài, về pháo đài / Ngày mai bạn được đưa ra Pháo đài (*)



Cách cuối làng không xa về phía bắc, trên con đường rãi đá cấp phối chưa được bằng phẳng lắm, rộng chừng 4 mét, hai bên là ruộng lúa xanh rì, đi đến ngã ba Trốt Voi ta sẽ gặp Pháo Đài. Đây là cứ điểm có từ thời Pháp thuộc, được xây dựng vào khoảng năm 1952, cùng thời với việc thành lập đồn Địa Linh. Không riêng gì ở La Khê mà ở làng Địa Linh, Bao Vinh đều có pháo đài. Nhưng đặc biệt ở La Khê, Pháo Đài đã trở thành một địa danh mang trong mình một tính nhân văn cao cả, là quê hương, là nguồn cội, là một trong những nơi mà dân trong làng chọn để "thác gởi xương."

Vùng đất Pháo Đài rộng chừng khoảng ba hecta bốn bề lộng gió, ở chính giữa có pháo đài hình lục giác diện tích khoảng 40 m2, phía trước có cửa ra vào hình chữ Z, cao chừng 3m, chung quanh có các lỗ châu mai hình chữ nhật. Qua bao năm tháng thăng trầm, đội nắng, dầm mưa pháo đài nay đã rêu phong và cây cỏ um tùm tứ phía nhưng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.


Ngã ba Trốt Voi

Bao quanh Pháo đài là mộ phần của những người đã khuất, đủ mọi lứa tuổi - từ bảy, tám mươi tuổi đến trẻ thơ vừa mới lọt lòng mẹ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Đến đây ta sẽ thấy đủ các loại mộ chí, đủ các kiểu kiến trúc của người sống dành cho người đã quá vãng, để tỏ lòng hiếu thảo và người sống coi đó là bổn phận đền đáp công ơn sinh thành tạo dựng, là môt sự bù đẳp với bậc tiền nhân.

Như có một sự thi đua phô trương kiểu dáng. Người giàu có thì lăng mộ người thân được xây theo kiểu ngoại thành, nội quách, trụ biểu câu đối, rồng chầu, sư tử phục, rùa đội bia hạc đội nến, bình phong long mã. Người khá giả thì xây kiểu hình cầu ngựa, bình phong trước sau, đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, long phụng hí cầu, mai lan cúc trúc. Trung bình thì vo tròn sắc cạnh, sen trắng nhụy vàng... thôi thì đủ kiểu đủ cách. Và như có cuộc chạy đua, trước đã to, cao thì sau phải hoành tráng hơn cả về qui mô lẫn chi tiết trang trí, vật liệu, màu sắc...





Bên cạnh những lăng tẩm kiểu cách vẫn không thiếu những mộ phần cao nấm ấm mồ dân dã, được trông nom cẩn thận cỏ mọc xanh rì. Và đâu đó vẫn bắt gặp những mồ hoang vô chủ không người thăm viếng trãi qua mưa nắng vô tình, nay đã um tùm cây cỏ, nhìn thấy khiến ai mà khỏi chạnh lòng cho sự thịnh suy dâu bể cuộc đời.

Vào những ngày lễ, tết, chạp, giỗ vẫn thường thấy từng đoàn người đi viếng mộ thắp hương tưởng nhớ người thân đã quá cố. Cùng với việc thắp hương cho người thân thì những ngôi mộ cận kề cũng đươc kính cẩn thắp nén hương thơm như một chút tình san sẻ "bán bà con xa" dù đó là mồ hoang nấm lạc. Viêc làm mang đậm tình người đó càng in sâu vào nếp nghĩ của mỗi một con người khi đứng trước đồng hoang lộng gió, tiếng chuông chùa Ông văng vẳng vào mỗi buổi chiều, quyện với mùi khói hương lan tỏa khiến người nghe không khỏi chạnh lòng trước sự đổi thay của cõi ta bà "thành trụ hoại không."


Pháo Đài

Ở đây không có sự đông vui ồn ào, náo nhiệt của một góc phố, không có lời chuyện trò cười đùa rộn rã của môt góc làng. Nơi đây chỉ có gió chiều, là không gian của sự lặng im, khói nhang và tưởng nhớ. Tưởng nhớ đến những người đã nằm sâu trong lòng đất lạnh, đó là thân bằng quyến thuộc, là tổ tiên, là nguồn cội, không một câu nói, không một lời đối thoaị, nhìn sâu vào làn khói nhang bay lên từ mỗi ngôi mộ, lặng im cảm nhận sự lắng đọng của tâm hồn sau những đua chen, vấp ngã, mất được, hơn thua giữa chốn đời thường.

Chim có tổ, người có tông... Vào ngày 3 tháng 2 âm lịch hằng năm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền hiền có công mở cõi. Làng tổ chức lễ Hiệp Tế, trong dịp này ngoài việc tảo mộ Quý Ngài, dân làng còn tổ chức chạp Cô Mộ. Ngày này các mộ phần vô chủ, không người thăm viếng sẽ được phát quang dọn dẹp cỏ cây lấn chiếm, thắp nén hương thơm tỏ lòng tưởng nhớ và kính mời về hâm hưởng lễ tế tại Am Cô Hồn nghi ngút khói hương – nơi thờ cúng dành cho những linh hồn vô định.

Truyền thống tốt đẹp đó được con dân trong làng và người đang ở xa quê hưởng ứng tích cực từ vật chất đến tinh thần như môt sự tri ân nguồn cội.

Và cho dù cuộc sống ngày càng biến động – làn gió đô thị hóa thổi về trên quê hưong vốn thanh bình và trầm lắng - sau lũy tre làng, nhiều công trình nhiều dự án được đặt ra, đất đai dần dần quý giá... những thửa ruộng dập dờn sóng lúa, dòng sông, con đập, khói bếp lam chiều lan tỏa trên mỗi nóc nhà, cánh cò thơ mộng... thưa dần, thưa dần, rồi sẽ biến mất. Lời ru cho giấc ngủ vĩnh hằng của người đã khuất và lời ru dịu ngọt đượm nỗi nhớ thương cho người ở lại sẽ dần xa, xa mãi ...

Và cho dù cuộc sống có đổi thay thế nào đi nữa thì quê hương, nguồn cội, cũng chính là tài sản vô cùng quý giá đối với mỗi một chúng ta, quê hương, nguồn cội phảng phất trong bóng dáng mỗi một con người, là dấu ấn không phai mờ theo năm tháng, đi theo ta suốt cả cuộc đời, in đậm trong từng nhân cách xử thế ...

Và "Quê hương nếu ai không nhớ. . ." (**)

La Khê cuối đông 2010
Tiểu Thừa

(*) Viết cho bạn - Phạm Hiển
(**) Quê hương – Đổ Trung Quân

  1. gravatar

    # by tuan le - lúc 21:11 17 tháng 3, 2011

    chổ này hồi nhỏ con hay ra chơi này.