Lê Hiếu - Mạn Đàm Về Mai



Nhấp chén trà xuân
Mạn đàm về hoa mai

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Cao Bá Quát

Tết ngấp nghé trước ngõ, cơn nắng mùa xuân về hong non muôn vạn củi cành, lòng còn thổn thức, nghĩ về bao người xuân về tết đến còn tha hương cầu thực, là còn bao nhiêu nỗi lòng thổn thức hơn ta. Dăm điều ba chuyện như góp vui cùng những người đang hướng về quê hương nguồn cội, hướng về gốc rễ tâm linh.



Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
(Mười năm phiêu bạt để tìm lại cây kiếm cũ)

Người bạn tri kỷ của mình đã lãng quên mấy năm rồi ta đi tìm kiếm vì quen biết đầy thiên hạ tri kỷ được mấy người, đời dâu bể đôi khi ta vô tâm vô ý, lãng quên điều tưởng chừng như vô nghĩa nhưng khi dừng chân lắng lòng lại mới biết nó to lớn vô cùng. Ngẫm lại mình đã mất bao nhiêu bạn quý, đến bây giờ thì mỗi đứa đã lạc một trời xa.
Sông mười năm đã hóa thành dâu bể
Thì đời người ai dám hẹn trăm năm.

Nỗi lòng của Cao Bá Quát là nỗi lòng của kẻ sĩ phu đương thời, cái thời Nhà Nguyễn nhu nhược bất lực trước xã hội, lề lối đạo đức xuống cấp suy đồi, khao khát tìm lại cho mình một hệ tư tưởng nguyên gốc để thực thi, cũng là nỗi lòng bao kẻ hoài cổ như ông. Dòng đời cứ trôi và ông cứ chờ mong vào một ngày sẽ gặp lại vị minh quân thánh đế, tìm cổ kiếm tìm tri kỷ hay ông đang đi tìm chữ Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín vậy.

Ngày xưa người Việt Nam đa phần làm ruộng, do khí hậu khắt nghiệt và lũ lụt đại bộ phận chỉ làm được một vụ hoặc hai vụ, được mùa thì đủ ăn, mất mùa thì khó khăn trăm chuyện. Nên mỗi người đều cố gắng tìm cho mình một nghề phụ phòng khi rãnh rỗi nông nhàn. Đầu tắt mặt tối quanh năm kiếm cái ăn cái mặc chẳng biết thời gian, những người tha hương cầu thực ấy khi nhìn thấy hoa mai nở báo hiệu mùa xuân đã về, thì cũng là lúc chạnh lòng nghĩ về quê hương, nghĩ về mẹ già con thơ đang chờ họ về cho kịp nung nồi bánh tét chiều ba mươi, cho kịp mâm cổ giao thừa, kịp dựng cây niêu sáng mồng một tết. Xuân về tết đến cũng là lúc phải nghĩ về mái nhà ấm cúng có ai sửa sang, mồ mã ông cha có ai sớt cỏ.

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(một đời chỉ biết cúi đầu bái hoa mai)

Cúi đầu là vậy, cúi đầu để nghĩ về quê hương, ông bà cha mẹ.

Trong tất cả các loài hoa, qua cát rét khắt nghiệt của mùa đông chỉ có hoa mai là loài hoa nở sớm nhất, từ những cành sần sùi trơ trụi lại nở ra những chụm hoa mảnh dẻ vàng rực thanh tú vô cùng và hương thơm thoang thoảng khó tả. Hoa mai là vua của mùa đông vì thế mà hoa mai được gọi là Đông Quân. Hoa mai ở miền nam nắng đẹp quanh năm thì muốn lúc nào trổ hoa người ta chỉ cần vặc lá, lá đâm non màu đỏ và trổ hoa nhưng hoa ít hương thơm hơn mai ở xứ lạnh. Lá màu đỏ nên loại này người ta gọi là mai hồng diệp. Lại có loại mai nở quanh năm người ta gọi là mai tứ thời cánh nhỏ màu vàng, sau khi rụng, đài hoa màu đỏ còn ôm nhụy cho đến khi nhụy lớn nhìn đài hoa màu đỏ giống như hoa nở lần thứ hai nên loại này còn có tên là nhị độ mai. Mai ở xứ tuyết khó trổ hoa nhưng khi trổ hoa thì hương rất thơm. Người chơi mai mà không biết thưởng hương mai cũng uổng phí lắm. Hoa mai ở xứ lạnh màu vàng người ta gọi là hoàng mai hay huỳnh mai, còn có một loại mai cánh hoa màu trắng gọi là bạch mai hay tuyết mai.



Nhớ lại tích đạp tuyết tầm mai trong một lần tôi có đọc đâu đó chuyện kể về một vị tổ sư dạy các đệ tử của mình với tất cả tâm huyết, trong một thiền tự trên núi tuyết sương ngài thường vẽ tranh trên bình gốm cảnh một vị gia chủ áo rộng xênh xang cưỡi lừa qua cầu nhìn lại gia nô vác cành mai chạy sau lưng bụi phong trần cuốn phăng bao cánh mai rơi lả tả và viết bên cạnh câu thư pháp:
Kỵ lư quá tiểu kiều
Cảm thương mai lạc hoa
Cổ nhân sầu bạch phát
Kỷ độ thủy lưu hà!


(Cởi lừa qua cầu nhỏ
Cảm thương mai rụng hoa
Người xưa sầu bạc tóc
Nước chảy mấy thu là!)

Sau một thời gian dạy dỗ các đệ tử của ngài đều xuống núi phụng sự đạo pháp và thực hiện ý nguyện của ngài là mang về một gốc mai còn nguyên hoa để cắm vào chiếc bình gốm trong ngày đầu tiên của năm tại tiền sảnh thiền đường.

Mười năm mong đợi nhưng vẫn chưa có một người đệ tử nào mang về được một nhành mai còn nguyên vẹn, mà chỉ có phần nhiều là một cành củi khô khốc vì bao nhiêu gió bụi tuyết sương.

Ngài cứ mong ngóng đợi chờ nhưng rồi chỉ còn lại hơi thở dài bên kia núi, một sớm xuân ngài phi thân khắc lên vách núi một vế câu đối:
Thiên hạ minh mông, vị tằng nhất hữu!
(Thiên hạ mênh mông rộng lớn, chưa từng có một (người đệ tử).

Không lâu sau người đại đệ tử không cầm lòng đã để lại dòng chữ cạnh bên, bằng nét chữ sâu đậm không thua kém:
Môn trung lạc bạc, hà dĩ duy vô!
(Trong cửa (chùa) đơn sơ, ít ỏi, (tuy thế), há lại không (có ai!))

Rồi người đại để tử ra đi. Gần tám mươi năm sau, vào một sớm cuối đông tinh mơ, trên núi tuyết bao phủ giá lạnh, người đại đệ tử đã trở về với cành mai trên lưng, gốc mai già cỗi u nần còn nguyên những đốm rêu xanh đẹp như thủy mặc, nụ hoa chúm chím hé vàng óng tươi mơn mởn. Nhưng sư phụ đợi chờ bao năm đã nhập diệt mấy mươi xuân trước, ai có biết đâu ông cũng mỉm cười khi thấy một nhành mai.

Lời nói nào cũng chưa chắc đúng, đôi khi lại trống không, vô nghĩa. Cũng như thế hệ đệ tử ra đi trước, vị đại đệ tử này cũng mang đầy nhiệt huyết xuống núi sống đời hạnh nguyện, tát nước bể đông, biến cải thế gian. Vị đại đệ tử đã lao thân vào dòng, chẳng ngại gì những vùng nước xoáy. Cái bản lãnh của ngài, lưỡi gươm chính khí của ngài đánh bại được cả những ma quân hung bạo nhất, thế nhưng ngài đã không đánh bại được chính mình. Khoảng cách này là sợi tóc. Lộ trình này là đi trên lưỡi dao . Và thế là... trọn một đời tìm kiếm, hoạch đắc, cái gia tài vô giá ấy đã rơi rụng xuống dọc đường, trên mọi nẻo tối tăm của dục vọng và bản ngã... Nhưng mà vị lão tăng này đã trở về, thành khẩn trở về... và quan trọng nhất là trong đôi mắt ấy có một nhành mai. Như vậy thì sự thất vọng kia quan trọng hay sự giác ngộ khổ đau quan trọng hơn?

Đúng như ta nghĩ là cành mai kia còn nguyên vẹn, nguyên vẹn và tươi đẹp hơn cả ở đầu non, hơn cả trên băng tuyết! Có phải lão tăng đã lặn lội tìm kiếm lâu quá, lâu quá... Ồ, mà có hề gì đâu! Có kẻ suốt đời ướp trầm, xông hương rồi chưng trên những chiếc bình trân quý mấy cành củi khô, hoa đã rụng lâu rồi!

Còn biết bao nhiêu người như ta , suốt cuộc, có lẽ nào cũng đã từng làm vậy?” đi tìm những cánh mai viễn tượng xa vời có đâu một nhành mai quý trong mình lại không tìm ra được.

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Viết xong xuân đã giăng đầy
Nghiêng nghiêng bên suối hiện vài cánh mai


Lê Hiếu