Tiểu Thừa - Giếng Bồ Đề

Không ai biết chính xác giếng làng tôi có tự thuở nào và tại sao lại mang tên là Bồ Đề.  Mẹ tôi – năm nay ở tuổi 90 – khi đươc hỏi cũng trầm ngâm rồi bảo “Từ khi biết gánh nước thì giếng Bồ Đề đã có” .

Giếng nằm trên đường giáp ranh giữa La Khê và làng Địa Linh, hai bên là ruộng lúa.  Theo truyền khẩu thì giếng có từ thời chúa Nguyễn do những người thợ Ngõa tạo nên để sinh hoạt trong quá trình tham gia sản xuất gạch, ngói phục vụ việc xây dựng kinh thành Huế . Điều này đáng tin cậy vì cách giếng môt đổi về hướng nam dấu tích còn lại là xóm Ngõa Tượng (xóm Dãy) hiện còn miếu thờ Ngõa Tượng khói hương nghi ngút vào ngày sóc, vọng và thường niên thì xuân kỳ, thu tế .



Cũng như bao giếng khác, thời đó, giếng được xây bằng đá hộc miệng hình tròn đáy là những phiến gỗ ghép thành hình lục giác , giếng không sâu lắm.  Những năm hạn hán đứng nhìn xuống có thể nhìn thấy những phiến gỗ đã bị bùn đất che lấp một phần.

Thuở chúng tôi còn mặt quần xà lỏn thì giếng đã rêu phong theo thời gian, cây cỏ mọc chen chúc trong kẻ đá đã hàng hàng, lớp lớp đa số là những cây dương xỉ thân mềm làm cho giếng trở nên cổ kính muôn phần.

Giếng lấy nước từ mạch ngầm trong lòng đất nên trong xanh và ngọt mát. Dân làng đến gánh nước về phục vụ cho việc sinh hoạt hằng ngày.  Vào những năm 50 , 60 của thế kỷ trước ít nhà có giếng riêng, bể cạn chứa nước mưa cũng còn rất hiếm hoi, đa số là ghè, lu, mái nên giếng là nguồn nước chính cho bà con sinh hoạt.  Trời càng nắng nóng bao nhiêu thì nước giếng lại càng ngọt mát bấy nhiêu.

Còn nhớ thuở nhỏ, vào mùa hè, cứ chiều chiều sau khi đá banh, đuổi bắt chán chê ở ruộng Đạo trước mặt làng (ruộng chỉ cấy vụ đông).  Lũ chúng tôi kéo nhau đến giếng múc từng gàu nước mát dội cho nhau một cách khoái trá.  Gàu là dụng cụ dùng để múc nước từ dưới giếng lên, thường làm bằng mo cau, sang hơn thì bằng can đựng dầu xà lách đã dùng hết . . ., dây thì bằng xơ dừa bện lại, múc không đau tay nhưng dễ đứt, có bán nhiều ở chợ Bao Vinh.

Cách giếng Bồ Đề một khoảng không xa là nhà của Bác H. Bác có cái gàu bằng tôn gò rất đẹp, dây bằng ni lon rất bền, lũ chúng tôi thường được Bác cho mượn để ra giếng tắm với một qui ước bất thành văn rất đơn giản là khi tắm xong nhớ mang theo một gàu nước đổ vào bể cạn có hòn non bộ khá đẹp trước măt nhà Bác.

Chuyện một dạo đi tắm ở giếng Bồ Đề nay nhớ lại vẫn còn ấm ức vì kiểu chơi ác của anh S. Chiều ấy sau khi đá banh xong thì anh dắt bọn tôi ra giếng tắm với thái độ rất nhiệt tình và bề trên, tự tay múc từng gàu nước mát, anh dội cho từng đứa và ra lệnh “Đứa mô kỳ cọ ra đất nhiều thì được dội nước trước”.  Lũ con nít chúng tôi đua nhau chà xát thân thể đứa nào đứa nấy đỏ rựng.  Bỗng nhiên thấy anh ta xách gàu đi về nhà , bỏ chúng tôi với thân hình nửa người, nửa ngợm. Báo hại đứa nào cũng phải ôm áo chạy về bến đình tắm hói vì không mượn được gàu. Chuyện xảy ra đã mấy mươi năm rồi, nay tuổi đã khá nhiều, tóc đã mặn nhắc lại chuyện cũ biết còn ai nhớ ai quên.

Năm tháng trôi qua, vừa hết cấp tiểu học, một số trong những cậu bé quê chân đất, quần đùi chúng tôi lên tỉnh học.  Rồi chiến sự triền miên, bom rơi, đạn lạc, sự mất mát cùng bao nỗi hiểm nguy rình rập rải khắp.  Dễ gì chúng tôi được gặp nhau môt lần đông đủ hầu mong bắt gặp dù trong giây lát hình ảnh của một thời ấu thơ thanh bình bên giếng nước thuở nào.

Rồi chiến tranh cũng qua đi, đất nước thanh bình, cuộc sống thay da đổi thịt từng ngày, nhà nhà đua nhau xây giếng bằng bê tông, mua máy bơm, xây thêm bể cạn để chứa từ vài ba chục đôi nước mưa và tiến bộ hơn nữa là dùng nước của nhà máy nước Giả Viên Huế.  Nước nôi dùng thoải mái, thuận tiện, không còn phải đi gánh nước từ giếng về nhà. Không còn đôi thùng nước sóng sánh ánh trăng của mẹ, của chị, của em.  Trẻ con cũng không còn hứng thú với việc ôm quần áo rủ nhau ra giếng tắm mỗi chiều.

Giếng vẫn trong xanh, vẫn tươi mát, đầy đặn như xưa chỉ khác giờ đây là nơi trú ngụ của lũ ễnh ương và loài thảo mộc vô tình tha hồ chiếm cứ.

Và rồi như một qui luật muôn thuở của đất trời “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai” (*) đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhà cửa mọc lên ngày càng nhiều chỗ này giải tỏa thì chỗ khác tái định cư.  Giếng Bồ Đề chỉ còn lại trong ký ức của các thế hệ đi trước, trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, có người tiếc nuối cho chiếc giếng, tiếc nguồn nước trong xanh tươi mát giờ không còn nữa, tiếc cái cảnh vui tươi, rộn ràng bên giếng mỗi buổi chiều hay mỗi buổi sớm mai.

Dù cuộc sống có muôn ngàn phương tiện, kỷ thuật, người ta có thể dẫn nước đến khắp mọi nơi, phục vụ tận chỗ và vào mọi lúc cho mọi nhu cầu sinh hoạt. Nhưng hình ảnh giếng Bồ Đề vẫn ăn sâu vào hoài niệm mỗi người sinh ra và lớn lên trong làng La Khê, hiền hòa và bình lặng, là nỗi nhớ thiết tha cho người đi xa lẫn người ở lại, là dòng nước ngọt lành đã góp phần nuôi dưỡng bao thế hệ lớn khôn góp mặt cho đời.

Ơi! Giếng Bồ Đề ngọt mát. Nay còn đâu!

La Khê hè 2010
Tiểu Thừa

  1. gravatar

    # by Cung Trọng Bảo - lúc 10:23 18 tháng 8, 2010

    Cảm ơn Anh Tiểu Thừa đã đưa tôi trở về một kỷ niệm của ngày tháng cũ. Tôi cũng có một thời của những buổi chiều đã tắm mát ở Giếng Bồ Đề này, những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60. Từ biệt làng quê từ 1965, đến nay, lần đầu tiên mới được một người vẽ lại hình ảnh của Giếng Bồ Đề này. Trước đây, mỗi lần về thăm quê, trước khi rẽ vào nhà mình, tôi vẫn có thói quen nhìn ra cái giếng đó, nhưng bây giờ thì đành chịu, ... hưng phế nào cũng có những niềm vui và nỗi buồn.

  2. gravatar

    # by Quê hương là chùm khế ngọt - lúc 06:04 2 tháng 9, 2010

    Bài viét rất có ý nghĩa, Rất tiếc tác giả không kèm một vài hình ảnh quanh khu vực giếng Bồ Đề hoặc một vài dấu tích còn sót lại để các độc giả hình dung được rõ hơn hay có dịp về quê ghé thăm....