Phạm Lê Kha - Thư từ Làng Quê (1/10/2009)

La Khê ngày 1 tháng 10 năm 2009.

Anh chị X mến,

Lụt:

Dạo trước năm 75 khi nhớ về miền Trung, Duy Khánh hát nghe rất thảm: "Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn, trời hành cơn lụt mỗi năm…"

Phật dạy làm con người thật may mắn và cũng thật khó, người có 4 cái khổ phải mang: Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ và tử khổ. Một trong tứ đế này rơi vào mùa lụt thì đúng là trời hành.

  • Mạ kể chuyển bụng đẻ chị, khi mưa trên nước dưới. Chú kể chuyện thím đẻ em, nằm cái chòi sau nương được 3 ngày thì mưa to nghe nói chợ Bao Vinh có nước lội rồi Ôn và Chú treo giường tận mái nhà đưa thím lên nằm cho em bú. Không lạ chi khi Địa Linh, Thế Lại, làng mình từ xưa đã có những: Ôn Lụt, Mụ Lụt, O Lụt, Chú Lụt, Cậu Lội, Dì Lội…Giường được treo bằng lạt mây cũ gió lay muốn sập mái tranh nhưng không thể đưa “mẹ con nó” đi ở đậu được vì mưa gió non ngày non tháng lại còn rặt mùi “phong long”:  Mở đầu cuộc sanh là khổ.

  • Tháng 8 nắng nám trái bưởi, đang nóng hừng hực, hôm sau trời trở: Gió đông heo heo thổi, mây đùn đen nghịt phía núi Kim Phụng, mờ mịt hướng Long Hồ, rồi mưa. Mới hôm trước dòng sông Hương còn thơ mộng êm đềm đến hôm sau nước đục ngầu chảy cuồn cuộn. Ngó củi rều trôi lềnh bềnh sau khi nhào lộn chồng chéo dưới gầm cầu Gia Hội là mạ, chị xếp dọn quang gánh thúng mủng lật đật về nhà. Áo quần gạo mắm củi lửa dầu đèn lần lượt nằm trên nốn trên nia nhét vội trong thúng trong mủng gác lên ván, ván nằm trên ghế, ghế nằm trên bàn: La liệt lộn xộn thiếu trước hụt sau. Khi nước lên thì bộ ngựa leo lên 8 viên bờ lô, nước lên nữa thì cái giường leo lên nằm trên bộ ngựa. Cả nhà co ro trên một cái giường chông chênh hồi hộp theo dõi lo con nước lên, mừng con nước xuống lao đao theo từng chiêu quyết tử của 2 chàng Sơn Tinh, Thủy Tinh. Ôn mệ ngồi bó gối không việc gì làm thành ra ưa mắc tiểu. Lại phải nín chờ hoặc khi mưa to hoạt khi chập choạng tối. Khó khăn  lắm mới chọn được góc khuất… đèn dầu lù mù, mắt già loạng quạng. Đang ì ạch, đang nghe loỏng roỏng bỗng ùm một cái. Mệ la thất thanh: “Tới kéo Ôn mi lên.” Cả nhà trên giường, giường trên bộ ngựa, bộ ngựa trên 8 viên bờ lô chông chênh. Kéo Ôn lên được thật kì công không thua gì cần cẩu trục vớt cứu hộ, cứu nạn ở biển Đông… chỉ khác thằng cu út bụm miệng nín cười. Khi Ôn lóp ngóp bò lên được khỏi mép giường cứu hộ, lau cho Ôn, Mệ hỏi:” được chi chưa?” Ôn vừa thở vừa trả lời “Chưa” lúc đó cả nhà mới cùng cười còn Ôn thì run rẩy, méo mó và hậm hực…Lão là khổ.

  • Bệnh trong lụt, chết trong lụt còn tang thương hơn: Cồn mồ ngập nước. Quan tài nằm trong nhà: cứ kê lên hạ xuống hồi hộp theo từng con nước, tùy theo mưa to mưa nhỏ ở thượng nguồn: bệnh là khổ và tử là khổ.
Bão:

Dạo sau 75 anh em ta thường nghe hát hoặc đã từng ngồi vỗ tay tập hát: “Bão nổi lên rồi…Từ miền Nam quê hương thân yêu…Từ Trị Thiên băng qua Tây Nguyên…” Do biến đổi khí hậu càng về sau này càng ngày bão càng nhiều, bão càng mạnh “đùng đùng gió giật mây vần” đã đưa đẩy bao phận người lên đênh phiêu bạt: Khi bão đã làm lung lay cơ ngơi, gãy đổ mọi thứ thì nước đâu trên nguồn đổ về cuốn phăng mọi thứ ấy ra biển đông, con người theo đó bèn bỗng sạch sành sanh phải đem thân trơ đến xứ lạ quê người. Sống với Huế không nổi. Phải đi xa Huế để “Sống với Huế”. Gần chục năm trước đây bốn câu thơ tựa đầu của tập phim dài được phát trên đài truyền hình:

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thịnh suy thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng hóa Không.”


Ôn mệ có những ám ảnh hãi hùng của bão năm Thìn thuở xa xưa, lụt 53, bão 85, lụt 99.

Chỉ mới mấy ngày đây thôi 27 tháng 9 nắng đẹp hơi nực một tí, 28 tháng 9 gió càng lúc càng tăng cường độ dồn dập tin bão gần bờ trên các phương tiện truyền thanh cơn bão số 9, bão Ketsana .  Công điện Chính phủ kêu gọi nhắc nhở bà con…nữa đêm về sáng 29 tháng 9 bão thực sự quẹt Huế. Gió càng lúc càng dữ dội: Âm thanh ù ù, cây cối vật vã quằn mình từng cơn giật tàn khốc. Ngói đổ, tôn bay… tường nhà như rung chuyển. Ông trời đã nổi cơn thịnh nộ quần cho bà con suốt đêm chí sáng phờ phạt. 4 giờ chiều 29 tháng 9 khi gió mới dịu dần thì nước đã lò thò vào sân làm nổi lều bều dày đặt lá cây vỡ vụn. Lụt tới thật nhanh lại thêm một đêm thức trắng với ám ảnh quá khứ đau thương.  3 giờ khuya trời tạnh hẳn. Còn 3 hôm nữa là Trung Thu. Trăng chưa tròn nhưng thật sáng ở trên ban công nhìn ra ruộng Đạo, qua hàng rào te tua, ánh trăng tỏa dịu trên mặt nước mênh mông màu sữa đục. Không một tiếng rền rĩ vì giun dế đã chìm sâu dưới nước bạc, không một tiếng gà vì hoặc chúng chết ngột trong chuồng hoặc xơ rơ thất hồn trong lũ, không tiếng chó sủa vì có lẽ chúng đã tìm được nơi trú ẩn bình yên. Ai cũng thức cơ hồ như đã bãi hoải, nếu được nhìn trăng lúc này ngỡ như mình lạc vào cõi âm an bình: Tĩnh lặng và thánh thoát vô cùng.

6 giờ sáng 30 tháng 9 lại mưa, 7 giờ bơi xuồng lách bèo lòn cây khoét lùm để làm một vòng quanh làng cuối xóm chứng kiến hết cảnh đổ nát hoang tàn: một nhà tạm lợp tôn sập hoàn toàn, 7 nhà bay tôn, 6 nhà xóc ngói. Rất mừng không có ai thương vong, lạy trời nhẹ hơn 99 nhiều. Cũng may do cơn bão đã chuyển lệch hướng. Cái may của nơi này lại là cái rủi của nơi kia . Cái phước của mình hưởng, cái họa, đồng bào mình mang.  Suốt ngày 30 tháng 9 mưa lai rai nắng xen kẽ, bà con xa ân cần gọi điện về thăm hỏi. Quả đất nóng lên nhưng thế giới nhỏ lại. Cám ơn các phương tiện hiện đại hôm nay với sự góp sức của nhân loại. Cám ơn mọi tấm lòng khắp mọi nơi cho Huế, cho làng quê thân yêu.

Anh  chị X mến,

Khi em viết đến dòng này thì có tin hai cơn bão mới hình thành ở phía đông Philipines, lạy trời xin được bình yên, xin một đêm Trung Thu trời không mưa để chúng ta còn bắt gặp lại mình len lỏi cùng bạn bè trong toán coi múa Thiên cẩu thời thơ ấu. Giờ văng vẳng bên tai em tiếng hát ngày xưa:

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác”


Xin chúc mọi sự an lành.  Kính chào anh chị.

Thân ái,
Phạm Lê Kha

  1. gravatar

    # by Lê Hồng Thủy - lúc 06:55 4 tháng 1, 2010

    Bài viết bạn rất hay! Mình không phải người Huế, nhưng đâu đó trong tâm hồn mình vẫn chứa đựng một con người rất Huế. Thời điểm đó là lần đầu tiên mình chứng kiến tận mắt cơn Lũ Ketsana. Thật bàng hoàng và kinh khủng khi thấy một trời nước mênh mông đến thế ở Huế!

    Chiều nay, tình cờ mình biết về làng La Khê, nhưng chưa biết nhiều, và bản thân tôi cũng rất muốn biết nhiều về ngôi làng này. Rất may mắn khi Search trên Net lại gặp được bạn. Mình biết chắc chắn rằng bạn là người làng Địa Linh hoặc La Khê gì đó!

    Mình rất muốn biết về nguồn gốc ngôi làng này và nhiều thông tin về nghề truyền thống, các ông tổ, các dòng họ ...
    Nếu tiện thì bạn hãy liên lạc với mình nhé!

    Cảm ơn bạn nhiều!

  2. gravatar

    # by vo ngoc vang - lúc 09:50 17 tháng 1, 2010

    minh cung ko phai nguoi hue nhung minh co biec chut ve lang la khe ban muon biec gi ha