Giữa Đời Thường Đọc Thơ Cung Trọng Bảo

Hoàng Xuân Sơn

Tôi đang có trong tay ấn bản đặc biệt thi phẩm Giữa Đời Thường của nhà thơ Cung Trọng Bảo. Dù thời gian gấp rút, dù chỉ là in tạm thời, tập thơ dưới sự chăm sóc của anh Cung Trọng Thanh, bào đệ của nhà thơ CTB, cũng đẹp trang trọng không thua gì một ấn phẩm đã phát hành thật sự.

Điều ngạc nhiên thích thú khám phá trước tiên là: ngoài việc tôi có được hân hạnh cùng quê Thừa Thiên với nhà thơ, tôi còn được vinh dự học chung dưới một mái trường trung học nổi tiếng của đất Thần Kinh, Trường Quốc Học Huế, với anh Bảo. Cũng có thể tạm gọi là đồng môn vì khoảng thời gian cùng học ở trường, lớp không cách biệt là bao.

Dù chỉ mới được đọc trước đôi bài thơ của CTB trong tập san xuân của Hội CSV/QGHC, những tưởng là khó hội nhập tức thời để nói lên đôi điều về thơ ca CTB, nhưng khi nhận được ấn bản đặc biệt thi phẩm Giữa Đời Thường từ tay anh Tôn Thất Lưu, cái đọc tiên khởi, tổng quan toàn bộ cuốn Giữa Đời Thường đã nói cho tôi biết tôi đã và đang được đọc một tập thơ hay. Nói theo ngôn ngữ thời thượng là tập thơ rất ẤN TƯỢNG, từ hình thức đến nội dung. Tôi đã có được những rung cảm đồng điệu tức thời khi thưởng thức được tình, ý từ những câu thơ đầy thi vị của dòng thơ CTB.

Trước khi cùng nhau đọc thơ CTB, tưởng cũng nên nhắc qua thân thế và sự nghiệp của anh:
Cung Trọng Bảo còn có bút hiệu là Cung Nguyên Hải, đã có gia đình, được 2 ái nữ đã yên bề gia thất. Anh nguyên là cựu học sinh trường Trung học Hàm Nghi và Quốc Học, Huế. Anh có văn bằng cử nhân luật khoa, tốt nghiệp Đốc sự Hành chánh khóa 13 và Cao học Hành chánh khóa 7.

Trước 30 tháng 4 75, anh làm việc tại Tối cao Pháp viện và Tổnh Nha Thuế vụ Sài Gòn. CTB định cư tại Hoa Kỳ năm 1990, và hiện đang làm việc tại sở Xã hội thuộc San Diego, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Ngay cái tựa của tập thơ đã xác quyết một điều: Thơ CTB viết giữa đời thường, không chuyên chở những gì cao xa, diệu vợi. Thơ anh viết bằng chính tâm, bằng cảm xúc có thật của đời mình, giản dị khiêm tốn. CTB muốn soi rọi thân thế của mình bằng chút ánh sáng của tâm đạo tỏa chung quanh cuộc sống thường hằng:
Thơ tôi viết vẫn mong điều tâm đạo
Sáng thức ra không thấy bóng ưu phiền
Giữa phù sinh tìm lại tuổi uyên nguyên
Cho an lạc trở về thân vô ngã
Thơ tôi viết giữa những ngày xứ lạ
Như chút tình trĩu nặng nước non xa
Những câu thơ trên của CTB nhuốm một chút triết lý nhà phật, giữa cuộc sống vô thường - sắc sắc không không - anh vẫn luôn mong muốn đời mình giữ được cái tâm an nhiên tự tại. Không oán trách cuộc đời, cho dù đời sống có mang nặng nhiều điều bất ưng!
Khi lạc bước phù sinh
Đi dưới trời ảo diệu
Tôi tìm nẻo vô minh
Bỏ qua ngày niên thiếu
Khi lạc bước phong trần
Che đời nhau không kín
Tôi làm người tĩnh lặng
Trả hết những phù vân
Khi lạc bước thu phong
Gió theo mùa nước lớn
Tôi gầy vai ảo mộng
Thương em ngày cô đơn
Khi lạc vào huyễn mộng
Tay nở đóa vô thường
Nổi trôi đời lưu xứ
Mộng vá trời còn vương
Khi lạc vào biển rộng
Mắt em tròn hải đăng
Tình tôi xin đổ bến
Chẳng bận lòng băn khoăn.
Đúng như nhà văn Lê Quốc đã nhận định: đọc thơ CTB là đắm mình vào chuỗi hoài niệm bâng khuâng nhè nhẹ, thả hồn vào từng kỷ niệm của ngày thân ái xa xưa. Thơ không tìm đâu xa. Thơ không còn ở lưng chừng trời như dòng thơ tiền chiến. Thơ CTB đã đậu xuống mặt đất, đi thẳng vào cuộc đời thường nhật: một cuộc đời phô bày tất cả vẻ đẹp của nó, dù êm đềm, dù trần trụi gai góc.

Thơ CTB như một con đò chất đầy cảm hoài thương nhớ, trôi lặng lờ trên dòng sông tư lự, đi tìm những bến đổ thân thương: Bến Cha-Già-Mẹ-Yếu ơn nghĩa sinh thành, Bến Con Thơ dại khờ, Bến Tình Muôn Thuở - Vợ Hiền Thủy Chung, Bến Đệ Huynh Đậm Đà Huyết Thống, Bến Bạn Xưa - Trường Lớp Cũ luyến lưu v.v...

Mỗi một bến bờ là một chặng đời ấp ủ biết bao hoài bảo, ước mơ cuộc đoàn viên sum vầy qua những phương trời ly cách.
Ngày tương biệt ta gởi lòng ở lại
Giọt tàn phai cứ uống hết đêm dài
Mai viễn xứ có đâu mà này nọ
Hẹn hò ư? cũng lâu lắm mới về

Khi ngó lại thấy hành trang nhỏ bé
Trên vai gầy còn nửa cõi sầu riêng
Vấn vương chi khi thuyền không đổ bến
Gót sông hồ tôi lại bước mênh mông...
Mỗi bước đi của CTB đều vương đầy kỷ niệm: nhà thơ luôn mang theo tấc lòng hướng vọng về nơi chốn cũ. Quê hương tươi đẹp ngày nào giờ đã quá xa xôi. Nơi ấy chập chờn quyến luyến biết bao là hình bóng thân quen, giờ cũng mịt mùng cố xứ. Một trong những yếu tố quan trọng thấy được trong nguồn thơ CTB là hình tương Mẹ, nổi bật, tuyệt đối bàng bạc khắp thi ca. Nói như một nhà sư đã từng thưa thốt về Mẹ: Mẹ là dòng suối dịu hiền, Mẹ là bài hát thần tiên. Những người con Việt Nam nói chung và Huế nói riêng vẫn luôn luôn là những người con chí hiếu, vẫn luôn luôn mong được kề cận bên Mẹ, vẫn cần níu áo Mẹ như thuở nào còn thơ ấu, vẫn thèm được Mẹ săn sóc, nuông chìu cho dù trên đầu đã có hai thứ tóc.

Trong toàn tập Giữa Đời Thường, ngoài bài Thầm Lặng, Cám Ơn Ba -
Con trở lại đôi ba lần Xuân Hạ
Lại lên đường lầm lũi kẻ đi xa
Cây mai đó, đã bao mùa thay lá
Ba gia rồi, vườn cũ chẳng ai trông
Mùa rơm rạ chỉ còn trong nuối tiếc
Sáu mươi năm, bài thơ này mới viết
Như tấm lòng thầm lặng biết ơn Ba.
Có rất nhiều bài nhà thơ viết dành cho mẹ như Chiêm Bao Mẹ, Mẹ và Nỗi Nhớ v.v... hầu như không có phút giây nào CTB không nhắc tới Mẹ.
Ta trở lại để được gần với Mẹ
Dẫu dăm ngày quanh quẩn bước vào ra
Cơm với cá Mẹ nấu bằng tâm cảm
Miếng ớt xanh chan chứa mảnh tình nồng
Thơ về Mẹ, Ca Dao Mẹ đã thấm nhuần khắp mọi câu, mọi tứ. Không phải là anh đặt tình thương Phụ Mẫu lên bàn cân nặng nhẹ đâu. Chẳng qua Mẹ gần gũi trong chăm sóc nuông chiều con cái hơn, thế thôi.
Mẹ ngồi đếm tuổi trên tay
Ngón dài an phận, ngón gầy trầm luân
Ngón cao chở bước âm thầm
Ngón buồn che bóng chỗ nằm tà huy
Mẹ ngồi trốn lũ quạnh hiu
Đêm nghe nước bạc chín chìu ngọn cây
Mưa bên ấy, ướt bên này
Chiêm bao em gọi mới hay mẹ còn
Và những câu như thế này thật là chan chứa một trời thương ấp ủ lòng mẹ:
Mẹ ơi mẹ đêm đậm đà nỗi nhớ
Ngày hiu hắt không soi rõ mặt người
Lòng bâng khuâng bên dáng mẹ gầy hao
Con ngu ngơ ở bên trời hiu quạnh

Chim bỏ xứ vẫn nhớ rừng cây cũ
Con nhớ về dáng mẹ buổi con đi
Mắt đăm chiêu mẹ không nói năng gì
Hai vai nặng trĩu điệu buồn quá khứ

Và sẽ có một ngày con trở lại
Chỗ nằm xưa mẹ đốt muỗi giăng mùng
Năm mươi tuổi cứ tưởng mình thơ dại
Bởi bao giờ lòng mẹ cũng bao dung
Nhắc lại một ý vui vui thời còn làm học trò cắp sách đi học: Mấy anh học sinh đờn ông con trai xứ Huế vào tuổi biết buồn, biết yêu đã bắt đầu hơi điệu điệu một tí. Nói theo ngôn ngữ Huế Mền là cung cách mấy chàng có hơi Kim Sanh (hơi sến, hơi cải lương?) bắt đầu biết ăn diện chút chút: mong sao học hành kha khá để được ba mạ sắm cho cái quần Kaki, ái áo pop-pơ-lin ủi láng coóng, đầu chải brillantine dợn sóng, đạp xe đạp tay khuỳnh khuỳnh, thế là xong bộ cánh đi "nghễ gái". Nghễ thôi, chớ "cua gái" thì chưa có dám mô! Nhà thơ CTB của chúng ta thời hoa niên đã chiếm nhiều ưu thế: anh là một học sinh ưu tú của toàn tỉnh nhà. Như thế bè ngoài trưng diện chắc chắn không thiếu thốn. Phương chi anh đã biết cầm bút mần thơ rất sớm, chủ trương thành lập Thi Văn Đoàn Mây Ngàn cùng với các bạn làm thơ, viết báo. Mà thơ phú bao giờ cũng là một lợi khí hiệu nghiệm thu hút sự chú ý và lòng ngưỡng phục của người khác phái. Có phải nhờ thế mà anh Bảo đã có diễm phúc may mắn làm chủ bông hoa đầu đời của mình. Những bài thơ anh viết cho người nữ muôn đời đã khởi đi từ nguồn thơ lãng mạn đắm đuối của thuở cò là tình nhân và đậm đà thắm thiết khi đã kết nghĩa tào khang hẹn thề trăm năm son sắt
Nhớ xưa áo lụa qua thềm
Bỗng dưng em đến cho mềm tim tôi
Giảng đường ngơ ngẩn mây trôi
Em về tôi ở bồi hồi châu thân
Gọi em, tôi gọi thinh không
Cớ sao em dạ cho bồng bềnh tôi
Thôi rồi tôi biết tôi trôi
Trôi theo mắt đó ghé bờ môi em
Và thuở run run cầm được bàn tay của hạnh phúc dỗ dành hứa hẹn:
Buổi em đến hạnh phúc thành vi diệu
Anh vẫy chào phiêu lãng tuổi rong rêu
Ngày tháng cũ đã thành đời lãnh đạm
Giã biệt rồi hồn hoang cũ chênh vênh

Giờ đúng lại bên em đời rộng mở
Ngẩng cao đầu làm một kẻ tình chung
Vì yêu em mãi thân ái vô cùng
Anh ngã xuống giam đời trong mắt đó
Còn rất nhiều bài thơ tỏ tình hay ho khác nữa mà chắc chắn quý vị sẽ thích thú đọc được nhiều hơn một khi sỡ hữu tập thơ "Giữa Đời Thường". Và đây là ước mơ của một tình yêu vĩnh cữu, rót từ hồng ân:
Ba mươi năm thiên lý
Vẫn còn đó hồng ân
Ngọt ngào tâm tri kỹ
Có sá gì phù vân

Ba mươi năm chưa đủ
Ngọt ngào của môi hôn
Tình trăm năm như đã
Nghĩa mênh mông vô cùng
Góc của CTB dành cho bạn be xưa, trường lớp cũ cũng nồng nàn không kém:
Thưa các bạn giờ điểm danh đã hết
Ta bồi hồi nhớ lại tháng ngày qua
Ta bùi ngùi nhớ lại mái trường xưa
Màu phượng vĩ vẫn còn nguyên ở đó
Màu phượng vĩ của một thời bé nhỏ
Gọi ta về tìm lại tuổi hoa niên
Gọi ta về tìm lại chút thiêng liêng
Tình bè bạn của trường xưa lớp cũ
Bạn bè ơi, tao phùng này chưa đủ
Thì năm sau ta gặp lại nơi nào?
Và những câu thơ dễ thương như thế này khiến ta liên tưởng tới dòng thơ đầy màu sắc lãng mạn, đẹp buồn của Hoàng Anh Tuấn, của Nguyên Sa, của Hoàng Trúc Ly thuở nào:
Đã bao năm xa trường hồng ngói đỏ
Đời áo cơm thấp thoáng bóng hoa niên
Kẻ đi xa thầm lặng dấu ưu phiền
Thân viễn xứ vẫn mơ về cố quận
Bạn bè ơi thăm giùm ta trường cũ
Mở giùm ta cánh cổng lạnh hơi sương
Giữ giùm ta hoa nắng đọng trên tường
Xin rất nhẹ để lòng ta mở ngỏ
Đợi ngày về ngơ ngẩn với trường xưa!
Nhưng theo thiển ý, những bài thơ viết dưới thể lục bát của CTB là những bài thơ mang nhiều thi tính nhất, bàng bạc sắc màu của cuộc đời, nhân thế. Tiếng thơ sáu /tám của CTB ưu tư, dằn vặt như nhịp sóng vổ buồn, chơi vơi trên sông nước quạnh hiu:
Tôi con nước nhỏ rong chơi
Tôi con mê ngủ như lời vô ngôn
Tôi nghêu ngao tuổi biết buồn
Tôi cây cổ thụ trên non một mình
Hồng hoang từu cõi ba sinh
Tôi ngu ngơ với chính mình điêu linh
hoặc
Nhánh khô trên núi khô về
Nhánh sầu đá dựng bốn bề nước non
Ai đi cuối bãi sông cồn
Nhánh sầu tôi níu tủi hờn tâm kinh
Nhánh khô đau cõi riêng mình
Nhánh sầu bước mỏi chênh vênh dưới trời
Ai về ướt nẻo mưa rơi
Nhánh sầu tôi rụng đong đưa tuổi người
Nhánh khô lạc gió rong chơi
Nhánh sầu ôm giấc ngủ lời vô ngôn
Ai nằm giữ bóng cô đơn
Nhánh sầu tôi đó vẫn còn vu vơ
Và bài lục bát Tự Tình Tôi lãng đãng không khí đêm dài hóa mộng Trang Sinh:
Nửa khuya tìm đọc cổ thi
Nghe con chim lạ thầm thì trúc mai
Trăng treo chốn ấy trang đài
Cho tôi huyễn mộng đêm dài thiên thu
Đêm ngồi bóng lạ ưu tư
Tiền căn trở lại cũng từ tâm thôi
Trong tôi mưa nắng bồi hồi
Xin đem liễu vọng nối đời ăn năn
Trong phần "Khép Lại" của thi tập Giữa Đời Thường, nhà thơ của chúng ta đã viết: "... cũng từ trong cuộc đời thường đó, thỉnh thoảng những bài thơ vụng về được thầm lặng viết ra, đôi khi chỉ như là một điệu ru cổ tích cho riêng mình, cho những bước sông hồ trăn trở, đôi khi như chỉ là chút tâm cảm cho người đồng điệu, cho những ràng buộc còn ở lại cùng tôi, và cũng đôi khi như chỉ là chút tình tự đằm thắm cho những tấm lòng, những con người mà tôi mãi mãi yêu thương..." Đó là một quan niệm khá rõ ràng, minh bạch của người cầm bút, mà chắc chắn có nhiều bạn thơ đồng tình. Ví như nhà thơ Luân Hoán đã viết trong Dựa Hơi Bạn Bè tập 2:
Làm thơ sẽ giản dị như hít như thở nếu thực sự mình yêu thích thi ca. Từ sự giản dị này, thơ chỉ là những phát tiết những điều đơn thuần nhất của tâm hồn. Bắt ép thơ vào một cái rọ ngôn ngữ nào đó, dù tưởng rất tự nhiên, không gượng ép, cũng có thể làm cho thơ trở nên hư hỏng. Căn nguyên, tình ý của mình ra sao cứ tùy nghi vào cái hứng để thể hiện. Dĩ nhiên, điều này chỉ để dành cho những người thật sự biết làm thơ...
Làm thơ đôi khi cũng tỉ như trang sức, tô điểm cho cuộc đời thêm thi vị, mà không cần phải nói đến những vấn đề to tát như hành trình thi ca, sứ mệnh thi ca thế này, thế khác. Như có hôm ra phố nhìn bàn dân thiên hạ rập ràng, phục sức cách này kiểu nọ, đủ màu đủ sắc, chợt thấm ý một lời khen: "Chà! cô này hay ông nọ ăn bận giản dị mà đẹp hết sức! Thơ CTB cũng hết sức giản dị mà có cái đẹp riêng của nó: Cái đẹp kín đáo mà lich sự.

Làm thơ đánh bóng, vặn vẹo ngôn ngữ để làm cho ra vẻ mới lạ thoạt tưởng là khó, nhưng thật ra không khó. Cái khó là làm thế nào sử dụng ngôn từ bình dị mà chuyên chở được biết bao điều muốn nói từ những sự việc tầm thường quanh ta. Thơ giản dị mà hay thì thời nào cũng hiếm. May thay, trong dòng thơ dung dị chân tình này có nhà thơ Cung Trọng Bảo của chúng ta.

Về kỹ thuật sáng tác, quý bạn đọc đừng hòng tìm thấy trong thơ CTB một đường lối cách tân nào theo trào lưu hiện đại hay hậu hiện đại. Tác giả vẫn tuân theo lề xưa lối cũ: sáng tác bằng thơ lục bát, thơ 5 chữ, 7/8 chữ, thơ liên vận, v.v... Những thể thơ mà càng ngày càng trở nên khiếm diện trên trường văn chương chữ nghĩa hiện nay. Đó chính là cái hồn quý Việt Nam, cái vốn quý Đông Phương mà nhà thơ của chúng ta đã trân trọng gìn giữ được.

Hoàng Xuân Sơn
Laval, Québec ngày 4 tháng 7 năm 2007

Nguồn: Đặc san QGHC - Xuân Mậu Tý - 2008