Nguyễn Quang Lập - Chết dở tục quê

Nguyễn Quang Lập

Mình không sành cà phê, ngon dở không thành vấn đề, chỉ thích ngồi một mình không phải nói chuyện với ai, càng không gặp người quen càng tốt. Cho nên chung cư mình cũng có quán cà phê nhưng mình không thích ngồi ở đó, vẫn thường ra ngồi mấy quán vỉa hè, quán càng vắng càng thích. Sát ngay cổng phụ chung cư có cái quán cóc của hai mẹ con cái Thảo, một cái bạt rách bốn cái cọc tre là thành cái quán.

Quán cái Thảo rất vắng khách, năm thì mười họa mới có khách vào, chủ yếu Thảo chạy đưa cà phê cho các bảo vệ mấy chung cư gần đấy, chả biết một ngày có bán được năm chục ly hay không. Rất ít khi thấy Thảo đứng bán cà phê nghiêm chỉnh, nó bỏ quán trống suốt ngày, ai vào quán ới một tiếng, nó ở túp lều bên kia tường dạ dạ to rồi lật đật chạy ra, pha cà phê xong lại lật đật chạy vào. Chẳng biết nó làm gì mà khi nào cũng thấy tất bật.

Con gái Thảo đang học đại học, mặt cô bé hiền ngoan nhưng buồn, mấy tháng mình uống cà phê ở đấy chưa khi nào thấy nó cười tươi. Hỏi ra mới biết mẹ nó ôm nó trốn nhà chồng, trốn luôn cả bố nó từ Quảng Trị vô Nam từ khi nó vừa một tuổi, từ bấy đến nay đã gần hai chục năm rồi. Mình hỏi sao trốn, nó cười như khóc, nói cháu không biết. Thấy cái lều tạm hai mẹ con ở trông nhếch nhác quá, cũng một tấm bạt rách và bốn cái cọc tre, mình nói đất nhà cháu rộng thế sao không bán đi một nửa lấy tiền làm cái nhà. Nó thở hắt, nói đất đâu của nhà cháu hả ông, là mẹ cháu cắm lều tạm lên đó ở, chừng nào người ta đuổi lại chạy.

Mình nói chuyện với cái Thảo mới biết nó vốn là giáo viên dạy cấp 1, nhà ở Thị xã Quảng Trị cũng không đến nỗi nghèo khó lắm. Kẹt nỗi lấy chồng nông thôn, nó phải về sống ở nhà chồng. Kể từ đó nó khóc hết nước mắt vì tục quê ở nhà chồng, cực nhất là khi nó sinh con, nội chuyện kiêng khem cũng đủ làm nó chịu hết nỗi. Mình hỏi sao đến nỗi thế. Nó cười buồn, nói kể ra dài dòng sợ mất thời giờ chú, nói thật lắm khi cháu muốn đập đầu vào tường chết quách cho xong.

Mình nói ngày nay nhiều chị em sinh xong chẳng thấy kiêng khem gì, vừa sinh đã ra gió, ăn uống lung tung, tắm rửa cũng giống người thường. Như thế cũng chẳng hay. Nhất thời thì thấy tiện lợi, khỏe khoắn nhưng về lâu dài có thể đó là mối họa khôn lường. Người ta nói chị em ngày nay sinh nở vài lứa đã thấy già khú, mau hư người cũng duyên do không chịu giữ gìn các kì vượt cạn. Thảo nói vâng, cháu biết chứ. Sinh nở không thể không kiêng khem nhưng kiêng khem như nhà chồng cháu thì thật đáng sợ.

Thảo thở hắt ra, ngồi im hồi lâu rồi thủng thẳng kể.

Quê chồng cháu sinh nở không ra bệnh viện. Cháu sinh tại nhà, bố mẹ chồng thưng cái buồng nhỏ, kín mít, không còn một khe hở nào, y chang cái xà lim, thiếu sáng thiếu khí. Và nóng, nóng kinh khủng. Nắng Quảng Trị chú biết rồi, vào mùa hạ chẳng khác gì cái nồi rang. Cháu xin mở hé cái cửa sổ, không cho. Xin mắc cái quạt, không cho. Cháu khẩn khoản xin mẹ chồng, nói con có thể chịu được nhưng con bé nó sắp chín đây rồi mạ ơi. Mẹ chồng lườm cháu, nói máy ở thành thị, quen thói tiểu tư sản, mới nóng tí đã kêu.

Lại thêm cái tục nằm than, xông muối. Suốt tháng ở cữ, dưới gầm giường luôn có nồi than to, quạt lửa đỏ rực. Lửa than than bốc lên cháy sém cả chiếu vẫn bắt mẹ con cháu cứ nằm cho trọn tháng. Cháu sợ con gái cháu chết cháy mất, cứ ngồi ôm nó suốt ngày đêm, không dám đặt xuống gường. Cả tháng cữ cháu chỉ ngủ ngồi, cứ gật gà gật gù như thế cả tháng trời, chưa khi nào được trọn giấc.

Đến đoạn xông muối thì cháu hết chịu nổi. Ngày nào cũng một lần xông muối, hơi nước nóng cộng hơi muối bốc lên ngột ngạt vô cùng. Cháu ngồi trong chịu không nổi, vừa nhấc đầu lên mẹ chồng đã vội vàng dúi đầu xuống. Một lần chịu không nổi cháu ngất luôn. Tưởng nhờ thế bố mẹ chồng tha cho cháu, nhưng không, bố chồng cháu ra lệnh, nói như rứa là con ni máu xấu, phải xông muối lâu gấp đôi gấp ba mới được.

Nghe thế cháu rùng mình, sợ quá nửa đêm ẵm con trốn về nhà mình, cứ băng đồng mà đi, đến sang mới tới đường quốc lộ, bắt xe ôm về Thị xã Quảng Trị. Về tới nhà thì chồng con đã đứng chờ ở cổng. Lại phải quay về nhà chồng. Sau bữa đó cháu ôm liệt giường gần một tháng.

Mình hỏi thế bố mẹ đẻ cháu không nói gì à? Thảo thở dài, nói bố mẹ đẻ cháu cũng lạc hậu lắm, một hai đuổi cháu về nhà chồng, nói xuất giá tòng phu không oong đơ chi hết. Mình hỏi thế thằng chồng thì thế nào. Thảo lắc đầu cười nhạt, nói chú đừng hỏi ông đó mà rầu lắm. Nhậu nhẹt tối ngày, về tới nhà lăn ra ngủ. Cháu có kể khổ thì ổng gạt đi, nói chà, có chừng đó đã kêu, thiên hạ đều làm vậy cả có ai chết đâu. Nước mắt Thảo chảy ròng ròng.

Mình không hỏi nữa nhưng Thảo cứ kể, nói tục quê sợ lắm chú ạ. Qua được tháng ở cữ lại đến đoạn con đau ốm mới chết dở với tục quê. Cháu vẫn biết dân gian có những bài thuốc chữa bệnh con nít rất hay. Ví dụ khi con đầy bụng, bắt một con gián, nướng hoặc rang rồi giã bột, hòa với dầu hỏa bôi rốn con, bụng trẻ xẹp liền. Hay con nít tưa miệng thì lấy lá cây hoa cúc đất rửa sạch giã lấy nước, lấy chút hàn the cho lên thìa cà phê nướng chảy hòa với nước hoa lá hoa cúc đất. Lấy cái lông gà đã tiệt trùng, chấm nước đó quét miệng con, vài ba lần sạch biến. Hay lắm. Nhưng quê chồng cháu quá nhiều bài chữa mẹo vô lý đùng đùng, lắm khi nguy hiểm chết người mà không biết. Cháu nói rã mồm chẳng ai chịu nghe, cực ơi là cực, để cháu kể chú nghe.

Con gái cháu nổi mận ngứa, tây y thì bảo là dị ứng, dân ta thì gọi là mề đay, hay mận tịt. Cái này dễ chữa không, nhưng mẹ chồng cháu dứt khoát bắt cháu lấy cái nón mê đặt chín miếng trầu đem ra để ngã ba đường cúng ông Cầu bà Quán. Trong nhà con ngứa khóc, ngoài đường mẹ sì sụp cúng vái. Cháu là giáo viên cứ sì sụp khấn vái giữa ngã ba không ra làm sao, nhưng không làm vậy thì chồng đấm bố mẹ chồng mắng, chú thấy có cực không?

Một hôm cháu dạy về, thấy con bé đau bụng khóc ngặt nghẽo. Đoán ở nhà bà nội cho nó ăn gì bị rối loạn tiêu hóa, cháu ôm con đi trạm y tế xã, mẹ chồng cháu ngăn lại, nói khỏi phải đi đâu hết, tao vừa hỏi mấy người bên xóm, có cách chữa mẹo hay lắm. Cháu hỏi cách chi mạ, mẹ chồng cháu nói chỉ cần mượn người nhổ bão, nhổ cục tóc trên đầu mày là khỏi. Cháu cười, nói mạ đừng có nghe tào lao, có nhổ trọc đầu đầu con cũng chẳng khỏi đâu. Thằng chồng cháu uống rượu đâu về, liền cho cháu bợp tai, nói cô hỗn láo với mạ tôi từ bao giờ thế. Rồi hắn đè cổ cháu xuống, gọi người hàng xóm nhổ tóc chỏm đầu cháu, nhổ trắng cả chỏm đầu con bé vẫn khóc ngặt nghẽo, khi đó mới cho cháu bồng con đi trạm y tế.

Chuyện đó vẫn chưa hãi hùng đâu chú ạ. Con bé cháu bị viêm phế quản, bú vào là trớ ra. Cháu bảo chồng đi mua thuốc kháng sinh, bố chồng cháu ngăn lại, nói con nít bị trớ sao lại uống thuốc kháng sinh, ngu. Để con nhỏ đó cho tau. Tưởng ông làm gì, té ra ông ra bến múc nước lòng đò cho con bé uống, nói thần dược đây, cả làng này đều trị tật trớ con nít như ri cả.

Cháu hãi quá, lạy lục phúc bái, nói ông ơi nước lòng đò trâu bò uống còn chết, ông không nghe người ta nói vậy sao. Bố chồng cháu không chịu, nói tau nuôi năm sáu đứa con, mày còn dạy khôn tau.

Cháu ôm chặt lấy con dứt khoát không cho uống, bố chồng cháu giật con bé ra, cháu giật lại, nói không, các người tính giết con tôi à, ác lắm!. Thằng chồng cháu nhảy ra hét lên, nói a con này dám chửi cả cha tau. Nó đánh cháu một trận nhừ tử, cho đến khi con ngất đi nó mới thôi.

Tối đó cháu viết cái đơn ly dị để lại rồi ôm con bỏ đi. Lúc đầu vô Huế, sau vô Đà Nẵng, lần mò mãi vô tận Sài Gòn, gần hai mươi năm rồi chú.

Thảo ngước lên, khuôn mặt đầm nước mắt, nói hai mươi năm chưa một lần cháu dám về quê. Thằng chồng cháu bắn tin, nếu mẹ con cháu về quê nó giết cả mẹ lẫn con. Chú ơi, năm ngoái nghe tin ba cháu mất cháu cũng không dám về … Thảo bỗng khóc òa nức nở.

Nguyễn Quang Lập

Nguồn: Quê Choa (http://quechoa.vn/2013/01/30/chet-do-tuc-que/)