Đôi Điều Về Một Người Bạn

Cung Nguyên Hải

Lời tác giả: Tôi may mắn được sinh ra từ một làng quê có những tấm lòng nhân hậu, những con người nghị lực, và những kẻ có lòng. Tuy họ không nhiều, nhưng đã tiếp nối nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác và đủ để đem đến cho làng quê một nét đẹp nhân bản và cho riêng tôi một tấm lòng ngưỡng mộ. Trong số này, có một người bạn cùng thời với tôi: Anh Phạm Hiển ...

Tôi và Phạm Hiển tuy ở cùng làng, cùng xóm, hai nhà cách nhau khoảng 100m, nhưng chúng tôi không quen thân với nhau nhiều mãi cho đến những năm từ 1995 về sau. Lý do là vì năm 1956, khi tôi theo cha mẹ từ Mang Cá về định cư lại ở làng quê thì tôi theo học lớp nhì (lớp 4 bây giờ) trường tiểu học Hương Trà vừa mới xây hoàn thành ở giữa hai làng Bao Vinh và Thế Lại Thượng ở cách nhà khoảng 2km, còn Phạm Hiển học lớp tư (lớp 2 bây giờ) ở trường tiểu học Hương Cần, chi nhánh đặt ngay tại trong làng La Khê. Năm 1959, Hiển đậu vào lớp Đệ Thất trường Hàm Nghi trong Thành Nội thì tôi đang học Đệ Ngũ cũng trường này và năm 1963 khi Hiển vào Đệ Tam trường Quốc Học thì tôi đang học năm cuối.

Hai đứa học trò có vẻ đuổi bắt như vậy, nên đã chỉ biết nhau, thỉnh thoảng gặp nhau đây đó, nhưng chơi và thân với nhau thì chưa. Năm 1965 tôi vào Sài Gòn học Đại Học Hành Chánh thì Hiển vẫn ở Huế theo học Trường Cán Sự Y Tế. Hai đứa đã vào đời theo hai hướng khác nhau. Cuối năm 1968, sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc, lập gia đình và yên ổn sinh sống tại thành phố Sài Gòn kể cả sau biến cố đổi đời 30/4/1975, cho đến mùa hạ 1990 được đi Mỹ. Còn Hiển long đong hơn nhiều. Hiển tốt nghiệp thủ khoa Cán Sự Y Tế năm 1967 để mở đầu cho một quãng đời đầy biến động, lắm đổi thay và gian khổ. Giữ chức vụ Trưởng Phòng Mổ Bệnh Viện Quảng Trị khoảng một năm, anh bị động viên khóa 2/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, sau đó phục vụ dưới màu áo Địa Phương Quân Tiểu Khu Quảng Trị cho đến 1971. Từ 1972 chuyển về làm Sĩ Quan Trơ Y tại Phú Bài, Huế. Là một học sinh xuất sắc của Hàm Nghi và Quốc Học trước đây, dù phải vào đời do hoàn cảnh, anh vẫn giữ được ý chí ham học, nghị lực vươn lên nên đến 1974 anh đã tốt nghiệp Tú Tài 2 và theo học tại Đại Học Văn Khoa Huế. Năm 1975 học tập cải tạo tại Đà Nẳng. Năm 1977 phải đi vùng kinh tế mới Darlac. Từ 1978 đến 1986 lại phiêu bạt về vùng biển mặn Rạch Giá, Kiên Giang. Thời gian từ 1987 đến 1990 sinh sống ở Buôn Mê Thuột và từ 1991 anh mới trở về định cư lâu dài ở quê ngoại La Khê.

Có thể nói từ mùa thu 1965 khi tôi lần đầu tiên từ biệt làng quê vào Sài Gòn trọ học cho đến năm 1990 khi tôi phải bỏ đất nước ra đi để tạm dung ở Mỹ, tôi và Hiển hình như chưa gặp lại nhau lần nào (hay tôi đã quên?) dù thỉnh thoảng một, hai năm tôi vẫn có trở lại quê thăm nhà, những lần như vậy, thỉnh thoảng tôi có gặp và chào hỏi Dì C., mẹ Hiển ở căn nhà nhỏ, quán tạp hóa cạnh Bến Lội đầu làng. Tôi vẫn còn nhớ một vài kỷ niệm nhỏ với Dì C., người mẹ già ốm yếu, cơ cực nhưng rất tần tảo và vui tánh. Đó là trong thời gian gia đình tôi còn ở Mang Cá khi tôi còn dưới 10 tuổi, ông Nội tôi ở với Bác tôi chỉ cách quán tạp hóa nhỏ của Dì C. chừng 15m, ông tôi có thói quen uống rượu trắng ở quán Dì C. mỗi ngày 3 cữ, sáng, trưa, chiều, mỗi lần một hay hai ly nhỏ. Ba tôi nhờ Dì ấy ghi sổ, mỗi cuối tuần Ba thường chở tôi về thăm Ông và ghé ngang trả tiền cho Dì ấy, đều đặn như vậy trong mấy năm liền. Mỗi lần như vậy, Dì thường dúi vào tay tôi một cái kẹo chanh nhỏ gói bằng giấy trong. Đến khi gia đình tôi dọn về làng, lúc ấy tôi đã 10 tuổi, hàng tuần Ba sai tôi đem tiền xuống trả cho Di`, tôi cũng được kẹo, cho đến lúc Ông Nội mât vào mùa hè 1957. Ông Nội tôi mất đúng một ngày trước ngày tôi thi vào lớp Đệ Thất công lập. Hồi tôi thi, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tập trung vào một hội dồng duy nhất, năm đó khoảng 3000 thí sinh, và tôi đỗ đồng Thủ Khoa với một cậu học trò nữa ở làng Tây Thượng là Trần Đại Hiền, tôi quen tên này từ đó và đến nay hai đứa vẫn là bạn chí cốt của nhau. Ba tôi nói nhờ Ông Nội tôi phù hộ nên tôi mới đậu được thủ khoa, nhưng cũng từ đó tôi có ít dịp gặp Dì C. cũng như không còn được kẹo chanh, nhưng những cái kẹo chanh khi màu đỏ, khi màu vàng, màu xanh vẫn còn mãi trong trí tưởng của tôi cho đến bây giờ.

Tháng 7 năm 1995 khi tôi trở về thăm nhà sau 5 năm ở Mỹ thì Dì C. đã mất, cũng lần đó tôi gặp lại Phạm Hiển sao 30 năm. Từ đó, tôi cảm thấy gần gủi và liên lạc với Hiển nhiều hơn dù cho khoảng cách địa lý giữa hai đứa vẫn nghìn trùng xa cách như trước, thỉnh thoảng một, hai, ba năm mới gặp được thăm nhau vài lần, uống được với nhau vài tách trà sáng sớm hay ngất ngưỡng với nhau vài ly rượu chiều hôm. Thời gian đem đến cho tôi nhiều đồng cảm hơn với Hiển, càng làm tôi cảm phục Hiển nhiều hơn về nhân cách sống và tâm hồn đẹp đẽ mà Hiển đã cống hiến cho làng quê và bà con thôn xóm. Cũng từ đó, tôi biết được thêm nhiều điều thú vị về người bạn đáng mến này. Hồi nhỏ, tôi chỉ biết Hiển có tật nói lắp rất nặng, nhưng không biết Hiển đã tài hoa rất sớm. Cậu học trò nghèo, cơ cực này ngoài học hành thuộc diện xuất sắc còn có khả năng về âm nhạc như xử dụng thành thạo các nhạc cụ cổ nhạc đàn bầu, đàn cò, thổi sáo, ... Cách đây vài năm, trong dịp về thăm quê, nhân một đêm đi nghe ca Huế trên thuyền rồng sông Hương do anh PTN chung độ vì thua cuộc "trên nói dưới không nghe" tôi mới biết được Hiển còn có tài ca Huế tuy tài tử mà rất lôi cuốn khi anh nổi hứng đáp lời mời của mấy cô ca sĩ trong ban nhạc.

Anh còn có khả năng trong văn chương. Ngay từ thời trung học, Hiển đã viết truyện từng kỳ, loại trinh thám, đường rừng mạo hiểm, kể cả kiếm hiệp, ... truyện viết tay trên giấy học trò, đóng tập, chuyền tay nhau đọc, mà đám độc giả trung thành là đám học trò cùng lớp hay dưới lớp ở trong làng như CTT, HTL, ... đã theo dõi say mê. Anh cũng làm thơ rất sớm, và còn làm thơ cho đến bây giờ...

Phạm Hiển không làm thơ than mây khóc gió, không vẽ vời hoa mộng trăng sao, không ảo mộng hoang đường, không hư cấu mộng mơ. Thơ Phạm Hiển không ở lưng chừng trời mà thơ anh đã lớn lên từ thực tại, từ cuộc đời trần trụi, từ thực tế đắng cay. Có thể nói, thơ Phạm Hiển là giòng chảy của chính cuộc đời anh, của cuộc trần thế gần 70 năm từ thuở ấu thơ cơ cực, tuổi học trò thiếu thốn, đến buổi vào đời với chinh chiến điêu linh, đến ngày đất nước hòa bình thống nhất thì phải phiêu bạt đó đây, lạc nghề, mất vốn, gian khổ đọa đày để nuôi con khôn lớn ...

Từ Rạch Giá miền Tây xa xôi diệu vợi:
Tới Vàm Cái Mới rồi
Hơn mười giờ bơi xuồng không bụng trống
Hất lưới xuống vạt sạp cau ngó khoang cá rộng ...
...

Quay qua dạt lại một khúc sông
Rồi cũng thấy ngã tư chùa Tổng Quản
Không có cá đổi cho ghe hàng
Để bưng được ly rượu uống ...
Rồi cao nguyên đất đỏ, gió núi mịt mờ:
Rừng hoa Ban Mê phủ trắng hương nồng ...
Rồi Đà Nẵng số phận đẩy đưa:
Số phận đẩy anh làm gã xe ôm
Số phận đưa em làm con buôn trốn thuế
Tránh trạm ga Đà Nẵng
Vượt ra ga Thanh Khê nhảy tàu về Huế ...
Rồi quê ngoại La Khê êm ả, dừng chân:
Vườn cây La Khê êm ả vô cùng
Nhưng đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, nổi bật lên trên dòng đời đầy biến động đó vẫn là những tình cảm đôn hậu, trân quí của anh dành cho người mẹ già một đời áo vá, cơ cực tảo tần ...
Con viết tiếp bài thơ về thăm mẹ
Nghẹn nỗi mừng trời ngập trắng bông mây
...

Con làm thơ và chạnh nhớ quê nhà
Nhớ lời hẹn một ngày xuân hạnh ngộ

...

Con hẹn mẹ ngày vườn cây rợp bóng
Đồi đơm hoa và lúa chín vàng đồng
Ngay ở trong thời điểm cùng cực nhất, hình ảnh người mẹ vẫn hiện về ...
Ở nhà thì con đang chờ
Ở quê thì mạ đang đợi
Dưới sạp xuồng chỉ có hai con cá chốt lội ...
Thế hệ của Hiển và tôi là hợp lưu của những đớn đau từ những nghiệt ngã của hoàn cảnh lịch sử. Khi đất nước sang trang, từ trong trại tù cải tạo anh đắng cay tâm sự với con mình:
Học sử về sau có ngày con hỏi
Cuộc chiến thuở nào Ba ở phe mô?
Biết nói sao con khỏi tủi khỏi ngờ
Ôi câu hỏi cho chín mười năm tới ...
...
Bài thơ này cho con tròn bốn tuổi
Ngày Ba còn ngồi cúi mặt ăn năn ...
...
Thế hệ Ba đã nửa đời nhầm lẫn
Như ngựa mù sải vó giữa đồng xanh
Và ba mươi sáu năm sau, sau những gian lao cơ cực từ cuộc đổi đời, anh lại mở lòng ra tâm sự với đứa con nay đã trưởng thành:
Ba má đã bao năm xuôi ngược, thay nhà, lạc nghề, mất vốn
Ba má vẫn còn nguyên tài sản tinh thần là nhường nhịn thủy chung ...
Là biết ơn là tận tụy, bao dung
Nên tăm tối đã nhường cho ánh sáng
Nên u ám đã tan đi hiện dần quang đãng ...
Cỡi mở, chân tình, nhưng vẫn rất nghiêm túc với nguyên lý sống của mình:
Nhưng các con phải nhớ rằng
Giá trị con người không phải ở những gì ta dốc trí để có được
Mà giá trị con người ở chổ ta trải lòng để sống ra sao
Biết hiểu, biết thương, biết lễ, biết nghĩa thế nào
Biết hoài niệm chiếc ghe đời mong manh ngày nào đã đưa ta đến bến bờ khôn lớn.
Bên cạnh những người thân yêu, ruột thịt, bạn bè cũng là một dấu ấn nổi bật trong thơ Phạm Hiển. Anh giữ gìn, nâng niu kỷ niệm với bạn bè như một trong những tài sản hiếm hoi của đời mình. Anh chí tình, chí nghĩa, trân quí hình ảnh của từng đứa bạn của một thời thò lò mũi xanh:
Cứ ước khi mô tụi bay về gặp trời nắng
Tau nói vợ tau hốt hụi trút bưu
Tụi mình về Huế đi thuyền rồng nhậu nhẹt với nhau
...
Chỉ tiếc dạo này không còn quán nào bán kẹo cau
Tụi mình mua về mỗi đứa nun hai cục rồi ngó nhau
Để khóc "những anh hùng thò lò mũi xanh" nay đã ngàn thu cách biệt ...
...
Thương những ngày mưa lê thê, bạn bè áo vá quần xiu, tơi chằm tơi đoọc. Thương thằng Đực, thằng Vồ, thằng Keo, con Nuôi đi học chạy chân đất vù vù với tàu lá chuối che đầu suốt cả mùa mưa.
Bạn bè trong thơ anh là những con người có thật, đã từng với anh một thời ấm lạnh ở làng quê hay cùng anh nỗi trôi trên giòng đời xuôi ngược, đã thành danh hay còn lận đận, đã còn sống hay vĩnh viễn ra đi. Nơi xứ tạm dung, tôi đã từng bùi ngùi quá đỗi khi đọc những dòng thơ anh tiễn Đ ra đồng, về nơi yên nghỉ ngàn thu khi mà trách nhiệm với con cái chưa tròn ...
Câu thơ viết được nửa chừng
Nguyện cầu con bạn sau đừng giận cha
Tháng sau mưa nhạt mưa nhòa
Sáng mai bạn được đưa ra pháo đài
Bỗng dưng nắng giọt u hoài ...
Phạm Hiển ít viết về tình yêu của mình, nhưng đâu đó vẫn không dấu được những nét lãng mạn hồn nhiên của thời áo trắng học trò:
Lớp nhất xưa dãy bàn trong phòng vẫn thế
Lòng anh còn nguyên chỗ em ngồi
Rồi của thời em Đồng Khánh, anh Hàm Nghi:
Lớp Đệ Tứ, em Đồng Khánh anh Hàm Nghi
Lẽo đẽo theo em tới khi khuất Trường Tìền
...
Bồn chồn ngó lá vàng rơi
Dệt những vần thơ đầu đời
Rồi sau những ngày phiêu bồng lữ thứ, trở lại làng quê thì người xưa đã không còn ở đó:
Đêm nay về lại thăm thềm cũ
Bồi hồi mây qua trăng nhú lên
...
Ngậm ngùi từng bước trên đường nhỏ
Lặng trước thềm xưa khóc cố nhân ...
Người cũ không còn ở làng quê, nhưng làng quê không vì vậy mà trở nên nơi chốn ngậm ngùi hay vùng trời để lãng quên. Ngược lại, làng quê, dù là quê ngoại, mãi mãi là giá trị hàng đầu, là tâm điểm sáng chói trong giòng thơ văn bình dị như chính con người hòa nhã chơn chất của anh.

Đọc hết những tản văn của anh viết về mọi khía cạnh của làng quê mới thấy được sự quan tâm của anh đối với làng quê như thế nào, mới thấy được làng quê mãi mãi là bến đậu của tâm hồn và cuộc sống mà anh đã trãi lòng yêu thương và cống hiến. Với nội dung súc tích, phong phú, tình cảm tiềm ẩn, các bài Làng Tế đầu năm, Tết ở làng quê, Hói Hàng Tổng, Thu tế, Thư từ làng quê, Khuyến học La Khê ... ngoài những giá trị về mặt tư liệu, còn chuyên chở một triết lý sống tích cực của anh đối với làng quê và cũng chính anh, qua sinh hoạt thường nhật đã hành xử triết lý sống này bằng một tư duy và hành động thiết thực luôn hướng đến tình người, tình lân lý, đến nghĩa nặng, ân sâu với bà con thôn xóm trong suốt gần hai thập niên vừa qua. Bằng vào kiến thức và kinh nghiệm dồi dào về y học, bằng trái tim nhân ái và tấm lòng rộng mở, bằng sự nhẫn nại, chịu khó, kiên trì và nhất là cảm thông, anh đã là một niềm tin cẩn khó thay thế, là điểm tựa rất cần thiết cho bà con thôn xóm,nhất là với những bà con neo đơn, nghèo khó. Anh có mặt khắp mọi nhà, mọi nơi, mọi thời gian, mọi thời tiết khi cần đến. Anh có mặt với vui vẻ, cởi mở, chan hòa, nhân ái, với tận tình, chia xẻ.

Anh đã trải dài một thời thơ ấu cơ cực, một thời trung niên vất vả gian lao, ngày nay bóng tối đời anh đã qua đi để hiện dần quang đảng, con cái anh đã thành đạt, thành nhân, anh có thể sum họp vui vầy với con với cháu ở chốn phồn hoa, nhưng anh vẫn chọn con đường ở lại với lụt lội, bão tố ở làng quê, với cuộc hành trình anh tự chọn, với bà con làng xóm vẫn còn cần đến tấm lòng, tri thức và bàn tay anh giúp đỡ.

Tôi cũng tập tềnh làm thơ khá lâu như Phạm Hiển. Trong cuộc đời thường, thỉnh thoảng cũng viết về chuyện này chuyện nọ, về người nọ người kia, nhất là về đám bạn bè thân quen, vậy mà tôi chưa viết được những câu thơ nào về anh, để tặng anh. Tôi chẳng biết tại sao. Tôi chỉ biết rằng trong những năm qua và cho đến bây giờ, tôi vẫn thầm lặng đồng ý với một người anh họ, thân thiết nhưng khó tính, người anh họ có học vị cao và thành đạt trong xã hội đương thời khi anh này gọi Phạm Hiển bằng 3 chữ: "Hiển bồ tát". Tôi đồng ý bởi biết rằng người anh họ tôi ít khi nói đùa và cũng ít khi khen tặng quá lời với ai.

Cung Nguyên Hải
San Diego, CA
12/2011

  1. gravatar

    # by Unknown - lúc 12:09 28 tháng 3, 2013

    chau cung tu hao vi duoc song trong lang la khe

  2. gravatar

    # by Nặc danh - lúc 15:27 1 tháng 4, 2013

    ong viet bai nay hay qua.nguoi ong dang viet con keu bang ong chu la em cua ong ngoai con.